Aller au contenu. | Aller à la navigation

Outils personnels

This is SunRain Plone Theme

Navigation

Vous êtes ici : Accueil / Actualités / Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội quán

Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội quán

Anniversaire des 40 ans de la création du local UGVR

Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội quán

Ký ức về một số sinh hoạt của Chi hội

                                                        Lâm Thành Mỹ

_____________________

Các bạn trách nhiệm site web của Chi hội nhắc nhở tôi nhiều lần về việc kể lại lịch sử của Chi hội. Nay, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Hội quán, tôi xin ghi lại sơ lược sau đây một vài ký ức về sinh hoạt trong Chi hội.

Hội quán của Chi hội được mua năm 1976 và khánh thành năm 1977 sau khi được sửa chửa cho thích hợp.

Lịch sử 40 năm Hội quán gồm những thành tựu đáng tự hào của Chi hội.

Trước đó, sinh hoạt của Chi hội (có tiền thân là Liên Hiệp Việt kiều) thì rày đây mai đó, ăn nhờ ở đậu. Tôi còn nhớ khi tôi mới đến Lyon năm 1956 để theo học trường kỹ sư hóa ESCIL (Ecole Supérieure de Chimie Industrielle de Lyon, hiện đã nhập vào trường C.P.E., Chimie-Physique-Electronique), tôi đã được mời hội họp với Liên Hiệp Việt kiều Lyon. Cuộc họp được tổ chức ở một quán cà-phê đường Basse-Combalot, gần rạp Elysée, đường này song song và gần bên đường Basset, Lyon 7è, trong khu thương mại Á đông ngày nay. Liên Hiệp Việt kiều (viết tắt LHVK) được thành lập chính thức ngày 01/01/1956, nhưng thực ra, những người trách nhiệm vẫn hoạt động ngấm ngầm. Việc được chính thức hóa lúc ấy có thể do chính quyền Ngô Đình Diệm có thái độ bất hòa với Pháp. Hội LHVK sẽ bị Pháp cấm trong tháng 12/1959 rồi được thành lập lại năm 1969. Chi hội Lyon do bác Lê Tùng (1918-2009) phụ trách, có các thành viên như các bác cựu công binh Nguyễn Ngọ, người Quảng Ngãi, Ngụy Ngọ (1915-2002), người Hà Nam, Lê Đình Diệm, người Bình Định (1915-2004), Ông Bà Đinh Duy Tường, Ông Bà Phạm Vũ và các bác khác tôi không nhớ tên. Về sinh viên, có anh Nguyễn Công Hàn, Trịnh Văn Quỳ, Trịnh Văn Vỹ (anh Hàn và anh Quỳ học trường Ecole Française de Tannerie, anh Vỹ học Beaux-Arts). Tôi đã gặp anh Hàn hè 1956 ở trại hè Orédon do LHVK tổ chức. Tôi vừa sang Pháp, đến Toulouse năm 1955 để học dự bị thi vào trường kỹ sư Hóa; hè 1956 được anh Ngô Thiện Hớn mời đi trại Orédon và gặp anh Hàn, một trong những người phụ trách trại. Bác Lê Tùng là người năng động, nói tiếng Pháp trôi chảy, làm nghề đốc công, xúc tiến các công trình đường vành đai của Lyon, thường di chuyển quanh thành phố nên có dịp gặp gỡ, thăm hỏi bà con. Các bác Nguyễn Ngọ, Ngụy Ngọ… đã tham gia từ lâu các phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến trong nước.

Năm 1959, tình hình trong nước có những dấu hiệu căng thẳng với việc chính quyền Ngô Đình Diệm truy nã, đàn áp các gia đình đã có tham gia kháng chiến chống Pháp. Đối với Hội LHVK tại Pháp, chính quyền Diệm cắt sổ chuyển ngân của nhiều sinh viên thân LHVK, làm họ phải bỏ học đi làm. Do đó, có kiến nghị phản đối trong giới sinh viên Việt Nam; tôi có ký vào kiến nghị, sau đó Ba tôi bị triệu tập từ Cần Thơ lên dinh Tổng thống để nhận lời khiển trách, không biết dạy con để nó ‘ ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản’, vì tôi đi du học ở Pháp nhờ học bổng của chính quyền Diệm. Tháng 7/1959, tôi vừa học xong, có bằng kỹ sư hóa học và cũng đậu bằng cử nhân khoa học, tôi lên ‘trình diện’ với Sứ quán chính quyền Sài Gòn vì tôi có cam kết về nước khi học xong. Đến đấy, không ai nói năng gì với tôi nên tôi trở về Lyon làm trợ giáo ở trường INSA Lyon (Institut national des Sciences Appliquées) vừa thành lập năm 1957, đồng thời làm luận án tiến sĩ. Sau đó, khi hộ chiếu của tôi hết hạn, tôi gửi xin gia hạn thì hộ chiếu bị giữ luôn cho đến năm 1963 khi tôi được mời sang Canada sử dụng máy móc hiện đại trong Phòng Thí Nghiệm của Ông Gérard Herberg ở National Research Council (ông này sau được giải Nobel) để hoàn thành luận án tiến sĩ thì hộ chiếu mới được hoàn lại. Trong khi không có hộ chiếu, tôi đi du lịch ra khỏi lục địa Pháp bằng cách sang đảo Corse!

Năm 1960, chiến sự nổ ra ở nước ta. Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam được thành lập. Năm 1963, Diệm bị lật đổ và bị giết cùng em là Nhu. Chính trường Sài Gòn rối ben với các tướng lĩnh nối đuôi nhau thay đổi làm thủ tướng, tổng thống… Năm 1965, Mỹ đổ bộ ở Đà Nẵng, đánh trực chiến nhưng không giành được kết quả gì. Năm 1967, Mỹ leo thang, ném bom miền Bắc, tăng quân đến 550 000 người. Thế giới sôi sục biểu tình phản đối. Trong bối cảnh đó, tôi thấy mình cũng phải làm gì và tôi tham gia vào Ban Chấp hành Liên Hiệp Việt kiều Lyon, lãnh trách nhiệm xây dựng khối sinh viên trí thức, đồng thời cũng lo tổ chức văn nghệ trong các Lễ Tết, có khi trong các mít tinh. Trí thức, chuyên viên  lúc ấy có anh Nguyễn Minh Nháng, giáo sư triết học ở trường Trung học phổ thông ở Vienne, thường là người đọc diễn văn tiếng Pháp trong Lễ Tết; anh Phạm Văn Doản, kỹ sư điện, từ Paris đến làm việc ở Lyon, Phạm Quang Thọ, nghiên cứu sư CNRS (Centre National de la Recherche Scientifique), chuyên về Cộng Hưởng Từ Hạt Nhân (anh Thọ sẽ có nhiều đóng góp với trong nước trong chương trình Trung Tâm Phân tích và Thử nghiệm từ 1983 về sau), anh Nguyễn Huy Tiến, thiết kế đồ họa, trong nhiều năm sẽ là trưởng ban văn nghệ Lyon, có anh Trịnh Văn Vỹ, họa sĩ tài hoa. Đối tác Phật tử gần gũi với LHVK có anh chị Nguyễn Dư và Cúc, anh Dư là giảng viên ở trường kỹ sư Ecole Centrale de Lyon. Số trí thức không nhiều để có sinh hoạt riêng. Vào thời đó, số sinh viên Việt Nam ở Lyon cũng ít, có lẽ vì Lyon còn giữ tai tiếng là thành phố sương mù nên sinh viên Việt Nam thích đến học hoặc ở Paris hoặc ở các thành phố miền Nam như Montpellier, Toulouse, Bordeaux. Sinh viên Việt Nam đến Lyon để học một số trường đặc biệt như kỹ sư hóa (vì công nghệ hóa lúc đó rất mạnh ở Lyon), trường thuộc da (bây giờ không còn nữa), trường dệt, trường thú y, trường ISFA (Institut  des Sciences Financières et d’Actuariat, dạy Toán áp dung cho tài chính như  bảo hiểm  và đào tạo các chuyên gia có tên tiếng Pháp là actuaires), không mấy ai học ở Universités. Do có ít sinh viên Việt Nam, Lyon không có truyền thống của phong trào sinh viên ủng hộ kháng chiến trong nước. Khi có anh Nguyễn Công Hàn thì cũng có vài sinh hoạt, nhưng anh Hàn chỉ ở Lyon ít năm. Xây dựng phong trào sinh viên ở Lyon là xây dựng từ đầu. Vốn liếng quần chúng trước hết là con cái các bác cựu công nhân như Paule, con bác Vương Vận, France và Claire, con bác Nguyễn Bá Khánh…. Năm đầu, tôi được sự giúp đở của anh Nguyễn Văn Thông, kỹ sư ECAM (Ecole Catholique des Arts et Métiers) nhưng năm sau anh đã rời Lyon. Số sinh viên Việt Nam lần lần có thêm nhờ sự ra đời của trường INSA, trường này có mục tiêu là một Trường Lớn (Grande Ecole) nhưng với cách tuyển sinh hoàn toàn mới: qua hồ sơ chứ không qua thi tuyển, trường thu hút nhiều sinh viên Việt Nam (hiện nay cũng thế). Đang làm việc ở INSA, tôi bắt đầu ‘công tác quần chúng, buổi trưa mang mâm ăn đi đến ăn cùng sinh viên Việt Nam. Lần lần, tôi có được một lực lượng nòng cốt sinh viên nằm ở INSA. Cuối năm 1968, tôi lập gia đình. Nhà tôi (chị Xuân) cũng đã giúp tôi nhiều trong việc quan hệ thân thiện với sinh viên. Ở INSA, có Lê Thế Thành, sau này là kỹ sư tin học , có lúc có công ty ở Pháp và có mở công ty ở Việt Nam, Nguyễn Tiến Đạt, sau là kỹ sư công chánh làm ở Moulins một thời gian rồi sang Canada, Tuấn (có biệt danh Tuấn gầy) sau này lên Paris rồi mất liên lạc, Dương Túy Sương, sau là kỹ sư tin học làm ở BNP Paris. Ba sinh viên Thành, Đạt, Tuấn có gia đình ở Căm Pu Chia, khi gia đình phải hồi hương về Việt Nam gấp rút vì chính phủ Căm Pu Chia đàn áp kiều dân Việt Nam thì LHVK Lyon có giúp phương tiện vật chất trong một thời gian. Ở INSA, còn có một số sinh viên có học bổng như  Trịnh Văn Thân, sau là tiến sĩ hóa dầu, về nước làm việc ở Petro Viet Nam,  Bùi Đức Hào, Tiến sĩ Hóa, sau là trách nhiệm Chi hội Strasbourg và làm giám đốc nhiều công ty ở Pháp và Việt Nam, thường viết báo về văn học văn hóa; vào khoảng năm 1985 có Cao Thiện Phước, kỹ sư tin học, sẽ giữ chức Tổng Thư ký Chi hội trong nhiều năm. Ngoài INSA, có Hưng (Nguyễn Văn?) , trường Ecole Nationale Supérieure de Travaux Publics (Vaulx en Velin), Ngô Bảo Hùng, Trần Diệp Quang Trí, cháu tôi, học Triết (mất sớm). Đặc biệt có Vũ Văn Huân, từ Paris xuống học nội trú Y khoa, bác sĩ chuyên về máu và ung thư, chủ tịch hiện tại của Chi hội. Còn nhiều người khác, tôi không nhớ tên hết.

Sinh hoạt có: hội họp theo dõi tình hình trong nước, tham gia các mít tinh, các buổi lễ, có ra tờ Thông Tin ngắn, quay ronéo, nội dung đưa tin ngắn,ủng hộ kháng chiến chống Mỹ, tờ này nhằm gởi đến một số sinh viên Việt Nam tại Lyon. Mọi thành phần trong nhóm sinh viên được khuyến khích tham gia hợp xướng (Vũ Hồng Nam viết là ‘bị bắt buộc lên múa hát trên sân khấu’)! Tôi cũng nhờ nhóm kịch ở INSA, tham gia vào chương trình văn nghệ, họ đọc thơ, diễn kịch rất hay (năm 1973, trong mít tinh chào mừng Hiệp định Paris, họ đã trình diễn bài Bình Ngô đại cáo, đọc trôi chảy tên các tướng, các trận đánh…)

Tôi còn nhớ buổi mít tinh lớn ở INSA, giảng đường lớn (grand Amphi) có ngàn chỗ đầy ăm ắp sinh viên và các thầy. Lê Thế thành, đại diện sinh viên Việt Nam đọc tham luận (của chị Xuân viết, bài này tôi còn giữ). Có cả nhiều sinh viên Mỹ dự.Sau mít tinh có cuộc trao đổi giữa sinh viên Việt Nam và Mỹ. Sinh viên Mỹ cho biết họ sẽ viết thư thông báo với gia đình ở Mỹ và gia đình họ có phản hồi rất tốt cho chị Xuân qua điện thoại.

Phong trào sinh viên ở Lyon lần lần lớn mạnh và được cho là một ‘lò’, từ đó nhiều người tiếp tục trong nhiều năm đóng góp cho cộng đồng Việt Nam tại Pháp.

Lúc ấy, tôi để hết tâm trí làm việc cho Hội, cho phong trào, không hề nghĩ đến việc thăng tiến trong nghề nghiệp, không vào quốc tịch Pháp theo gợi ý của nơi tôi làm việc và cả của cán bộ trong nước. Sau này nghĩ lại thì thấy mình suy nghĩ không toàn diện. Về sau, tôi phải chạy nước rút để lên chức giáo sư, nếu không thì lương bị đứng một chỗ cho đến khi về hưu vì những qui định hành chính rắc rối.

Chi hội LHVK Lyon cũng mạnh lên; năm 1972 tiếp đón Ông Bộ trưởng Xuân Thủy với cái Tết ở phòng Molière rất xôm tụ, với một chương trình văn nghệ địa phương có hạng; trách nhiệm văn nghệ là anh Nguyễn Huy Tiến, ngôi sao hát địa phương có chị Lộc, vợ anh Pierre Graber; ngôi sao múa có các chị Thu Hà, Mỹ Trang…Buổi chiêu đãi quan khách và quần chúng lúc nghỉ giải lao cũng rất tươm tất. Hôm sau, khi Bộ trưởng gặp gỡ, nói chuyện với Việt kiều và bạn bè Pháp  thì ta phải tổ chức ở trụ sở của Liên đoàn Lao động C.G.T. chứ Hội đâu có trụ sở. Nơi này cũng là nơi hội họp của Ban Chấp hành LHVK Lyon, nơi tập dượt văn nghệ… Phải nói rằng lúc tiếp Ông Xuân Thủy (cũng như lúc tổ chức Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh), có hai Chi hội đồng trách nhiệm: Chi hội Lyon và Chi hội Décines (do Ông Ngô Văn Chiếm đứng đầu). Tại sao có Chi hội Décines thì tôi không biết rõ, có thể vì lúc trước Décines còn thuộc vào tỉnh Isère và có nhiều cựu công binh ở đấy nên có Chi hội. Hôm ấy, ông Trịnh Ngọc Thái, trợ lý của Ông Xuân Thủy, có chuẩn bị một món quà cho địa phương, đến lúc biết là có hai trách nhiệm, ông giữ quà lại, không trao cho ai! Ngoài 2 chi hội, còn có một nhóm Việt kiều gồm một số cựu công binh đang làm công nhân trong xưởng xe tải Berliet ở Vénissieux (tiền thân của RVI, Renault Véhicules Industriels) như các bác Thiều Văn Mưu, Nguyễn Văn Khánh, Phan Văn Khai… tự lấy tên là nhóm Mỹ Lai, không thuộc LHVK, đóng góp giúp trong nước thì gởi qua Sứ quán. Đến 1973, sau Hiệp định Paris, ba tổ chức trên mới thống nhất lại với cái tên LHVK Chi hội Rhône. Đó là lý do tại sao có tên Chi hội Rhône. Khi hòa bình lập lại ở Việt Nam năm 1975 và sau một Đại hội bất thường, LHVK nhường chỗ cho Hội Người Việt Nam tại Pháp, tập hợp rộng rãi hơn (như giới Phật tử chùa Trúc Lâm, Lực lượng 3…). Tôi xin nghỉ việc Hội để lo việc của mình và của gia đình, nhưng cơ quan trung ương của Hội lại đề cử tôi làm trách nhiệm của Chi hội thay thế bác Lê Tùng với lý do: Thời kỳ mới là thời kỳ tái thiết đất nước, khoa học là then chốt, Hội cần sự tham gia mạnh mẽ của giới khoa học.Tôi không từ chối được và trở thành Tổng Thư ký Chi hội. Sau này tôi có mặt trong nhiều hoạt động khoa học kỹ thuật và trong một thời gian tôi làm trách nhiệm cho toàn Hội ở Pháp trong việc đóng góp với đất nước. Các hoạt động này đều có được ghi lại trong các báo cáo, đặc biệt trong các Đại hội HNVNTP.Khi có dịp, tôi sẽ trở lại các công tác này trên site web của UGVR

 Sau khi hòa bình lập lại ở Việt Nam, thanh thế của Chi hội rất lớn. Nhiều Việt kiều đang ‘kẹt’ ở Pháp và cần liên lạc với gia đình trong nước nghĩ rằng Chi hội có thể giúp họ và họ ghi tên vào Hội; suy nghĩ này là đúng, Chi hội đã làm vai trò liên lạc (tôi được về thăm gia đình tháng 02/1976 sau 21 năm vắng mặt và có chuyển nhiều thư từ); giấy giới thiệu của Chi hội cũng được giới thẩm quyền trong nước coi trọng. Chi hội lại có các tổ ở Roanne, ở Vienne, được sự tham gia của Việt kiều ở La Voulte (Ardèche) nhờ các hoạt động văn hóa như chiếu phim nhân các buổi lễ; nhiều bà con ở Clermont Ferrand, Annecy, Annemasse cũng ghi tên vào Chi hội cho nên cơ quan lãnh sự ở Sứ quán gọi Chi hội là Chi hội vùng Rhône (Nhưng vì tên Rhône không mấy người trong nước được biết, nên chúng tôi ghép thêm vào thành Rhône-Lyon). Số hội viên lúc đó là trên 400.

Năm 1976, sau sự kiện tiếp đón chào mừng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Paris, tôi nghĩ đến việc thành lập Hội quán. Paris có Hội quán cũng như Marseille và Bordeaux. Đã đến lúc Chi hội Rhône chấm dứt việc ăn nhờ ở đậu: họp hành, tập dợt văn nghệ ở trụ sở CGT, cours Lafayette (hội họp sinh viên thì ở nhà tôi); tổ chức ăn uống đón các đoàn văn nghệ thì ở trụ sở hội ARAC (Asociation Républicaine des Anciens Combattants) đường Paul Bert. Bà Bùi Quang Tài, còn gọi là Chị Ba Hồng Kông vì hai ông bà có tiệm ăn tên Hồng Kông ở đường Madeleine Lyon 7è, giới thiệu một chỗ, có lúc chị ấy muốn mua, sau lại thôi. Đó là vị trí của Hội quán hiện tại, 38 rue Sainte Geneviève, 69006 Lyon. Nơi này gồm hai căn liền nhau, một dùng làm xưởng thợ điện, một làm chỗ ở. Giá là 100 000 francs, cộng thêm chi phí giấy tờ thành 120 000 francs, nếu tính ra tiền euros thì bằng 18000 euros (giá trị tiền hồi đó cao hơn bây giờ). Được sự đồng ý của Ban Chấp hành, tôi vận động ngay các nhà hảo tâm. Các chủ tiệm ăn Việt Nam ở Lyon đã nhiệt tình hưởng ứng (Các anh chị này trước ở Marseille, trừ chị Ba nói trên đến từ Bordeaux, thấy Lyon là nơi ‘đất lành chim đậu’ nên rủ nhau lên Lyon). Ô.B.Tài góp 10 000 francs; Ô.B. Nguyễn Văn Sắc, chủ tiệm Tonkin, rue Emile Zola, Lyon 2è, góp 15000; Ô.B. Đào Văn Phúc, chủ tiệm Việt Nam, 16 Cours Vitton Lyon 6è góp 10 000; Ô.B. Nguyễn Phát Lương chủ tiệm Đại Nam, place Aristide Briand Lyon 7è 12 000; Ô Lê Trần Nhình, Dégustation vietnamienne trong chợ  Halles de Lyon, 5000; Ô.B. Trần Văn Ái, chủ tiệm Asie, Rue de la Poulaillerie, Lyon 2è, 1000. (Bác Lê Hữu Khái, chủ tiệm Hồng Hà, rue Saint Jean, Vieux Lyon, lúc ấy chưa đến Lyon). Còn những người chủ tiệm ăn khác như: Ô.B. Trần Văn Nghĩa, tiệm Viễn Đông, rue Juliette Récamier, Lyon 6è, góp 2000; B. Berthot Hiền, tiệm Hải Phòng, Villeurbanne,1000; B. Nguyễn Thi Nhất, tiệm Thanh Nhất, Lyon 6è, 500, Ô.Lê Văn Hảo, tiệm Hà Nội, Lyon 2è, 250; Ô. Chu Văn Chìu, tiệm Nouveau Hong Kong, Lyon 6è, 200. Lời kêu gọi và danh sách đóng góp bây giờ vẫn được treo ở Hội quán. Các bác công nhân, các trí thức, sinh viên đều có đóng góp. Sau khi mua xong thì phải sửa sang, nhập hai căn thành một cho rộng, làm gác lửng (mezzanine) để thêm không gian…Đấy là công của các bác công nhân, đặc biệt bác Lê Tùng. Hội quán được khánh thành năm 1977; anh Đào Văn Tường, giáo sư Đại học Bách Khoa Hà Nội, dạy Hóa Hữu cơ, lúc đó đang công tác ở Lyon và đang cư trú trên gác của Hội quán, được mời cắt băng (tượng trưng) để khánh thành. Lúc mua được Hội quán, Chi hội chưa có tư cách pháp nhân, như tất cả các hội đoàn nước ngoài tại Pháp.  Ba người được cử để đứng tên làm chủ là : bác Lê Tùng, đại diện giới công nhân, Ô.Đào Văn Phúc, đại diện giới thương gia và tôi đại diện trí thức, sinh viên. Phải chờ đến khi Ông Mitterand và đảng xã hội lên cầm quyền thì các hội đoàn người nước ngoài mới được hoạt động theo qui chế của Luật 1901, có quyền và nghĩa vụ như hội đoàn nước sở tại. Chi hội được đăng ký với chính quyền, tên được ghi vào Công báo (Journal Officiel) và có tư cách pháp nhân. Người trách nhiệm trước pháp luật có chức danh Chủ tịch (Président). Do Chi hội có tính cách pháp nhân nên tôi chủ trương để Chi hội chính thức là chủ nhân của Hội quán và đã tiến hành các thủ tục để thực hiện điều này. Quá trình thủ tục cũng lâu nhưng rồi cũng xong.

Các sinh hoạt ở Hội quán, ngoài hội họp, có bóng bàn, cờ tướng, belote. Mỗi tháng có bữa ăn, vào trưa thứ hai đầu tháng, do Ông Bà Thân Văn Uẩn trách nhiệm. Khi Ông Bà Uẩn hồi hương, bác Đào Văn Phúc xung phong làm bếp chính. Trong các Lễ Tết, để phục vụ đoàn văn nghệ từ Paris xuống biểu diễn, có bác Ngụy Ngọ, chị Xuân và một số người nữa. Chi hội cũng thường tổ chức chiếu phim ở rạp chiếu bóng Bellecombe gần Hội quán, nhân các buổi lễ như Quốc khánh…Quần chúng xem hầu hết các phim nổi tiếng thời đó: Chị Dậu, Rừng O Thắm, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Giữa hai làn nước,…Chi hội có tủ sách khoảng vài trăm đầu sách tiếng Việt do Thư viện tổng hợp của T.P.Hồ Chí Minh gửi tặng, ngược lại, Chi hội bảo đảm cung cấp mực in cho máy photocopie của thư viện. Sách có đủ loại: tiểu thuyết, thơ, nhiều quyển nổi tiếng như Bóng nước Hồ Gươm, Hoàng Lê nhất thống chí… Chi hội tổ chức cho mượn sách. Có điều sách trong nước lúc ấy in trên giấy vàng, chữ khó đọc; sau đó bị mấy lần nước dột từ nhà trên xuống, làm hư hỏng. Sinh hoạt thể thao tập trung vào quần vợt, mỗi chủ nhật ra sân đông đảo. Sinh hoạt âm nhạc cũng thường được tổ chức, ở Lyon có nhiều danh ca, nhiều nhạc sĩ tài ba. Chi hội có tổ chức lớp học tiếng Việt cho trẻ em, nhưng không được thành công, số học sinh ít ỏi nên lớp không tồn tại được.

Chi hội cũng nghĩ đến nhà nghỉ hưu cho các bác nhưng kế hoạch này không thành, các bác không ủng hộ lắm. Trái lại, việc có khu mộ chung được hưởng ứng và Chi hội đã mua một phần đất ở Nghĩa trang Loyasse cho 50 năm (thời hạn tối đa, sau đó phải xin gia hạn).

Lễ Tết Nguyên Đán là sinh hoạt lớn nhất, được tổ chức long trọng mỗi năm, nhưng địa điểm thay đổi hằng năm để đi tìm chỗ tối ưu: phải có sân khấu cho văn nghệ và đồng thời phải có không gian ẩm thực. Cho đến sau này có được Centre Culturel et de la Vie Associative ở Villeurbanne là nơi lý tưởng với hai phòng: phòng ăn và nhà hát, Chi hội đã tổ chức Tết ở nhiều nơi: Salle Victor Hugo, Lyon 6è; Salle Molière Lyon 5è, Maison de la Danse ở Croix Rousse (bây giờ là nhà hát) Lyon 4è, một phòng thuộc tư nhân cho thuê ở Lyon 8è, Maison du Peuple ở Vénissieux, Centre Culturel Charlie Chaplin ở Vaulx en Velin, Centre Culturel Albert Camus ở Bron và cả Salle des Fêtes ở Collonges au Mont d’Or! Lễ Tết mọi năm đều được thành công nhưng sức lực chi ra là nhiều kể cả sự giúp đỡ của đoàn văn nghệ ở Paris hay trong nước.

Lần lần, diện mạo của cộng đồng người Việt ở Lyon thay đổi. Ngày trước, Hội viên Chi hội gồm đa số là các bác cựu công binh, một số không nhiều thương gia, trí thức và sinh viên. Các bác đã lớn tuổi, lần lượt qua đời. Các hội viên ‘tình thế’ của những năm 1977-80 không ở lâu trong Hội. Trong những năm 80, người di tản đến nhiều, nhiều người không có thiện cảm với chính quyền trong nước và do đó cũng xa lánh Chi hội mặc dù Chi hội không hề phân biệt chính trị hay tôn giáo. Các hoạt động Công giáo và Phật giáo quy tụ được nhiều người. Chi hội mất ảnh hưởng. Ngược lại, số sinh viên trong nước sang du học càng ngày càng tăng.

Trong bối cảnh đó, năm 1992, tôi đi lên miền bắc nước Pháp nhậm chức giáo sư đại học ở trường ENSAIT (Ecole Nationale Supérieure des Arts et Industries Textiles-Roubaix).  Như tôi đã viết ở trên, nếu không lên chức giáo sư thì lương của tôi sẽ không thay đổi cho đến khi về hưu nên tôi phải đi. May là Chi hội có những người tài tiếp tục công việc; thay thế tôi trong chức vụ Chủ tịch Chi hội là bác sĩ Vũ Văn Huân, đã gắn bó lâu năm với Chi hội, giao thiệp tốt với chính quyền trong vùng, đã trổ tài tổ chức các sự kiện văn hóa trong Năm Chéo Việt Pháp 2015. Lại có Tổng Thư ký Chi hội là Cao Thiện Phước, kỹ sư tin học INSA, đã làm việc trong Chi hội với tôi nhiều năm rồi, tập hợp giới trẻ đông đảo. Khi Phước phải rời Lyon vì việc làm thì có Nguyễn Quang Hùng Anh đảm nhận chức vụ Tổng Thư ký, chuyên trách thông tin. Chưa bao giờ Chi hội có được những tờ Thông Tin đẹp như thế, in màu, lại bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp! Hùng Anh  quen biết nhiều giới truyền thông trong nước nên tin tức về Chi hội được phổ biến rộng rãi trong nước. Hùng Anh lại quan hệ rất tốt với sinh viên Việt Nam ở Lyon nên việc giúp đỡ qua lại giữa Hội Sinh viên VN và Chi hội là thường xuyên. Hội quán Chi hội cũng là trụ sở hành chính, là nơi hội họp, tập dượt của Hội Sinh viên. Nhưng Hùng Anh cũng bị áp lực công việc của sở làm nên không luôn luôn giữ được nhịp độ cho Hội. May thay, giúp Chủ tịch, có Phó Chủ tịch Vũ Xuân Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên, có thủ quỹ cần mẫn và trung thành Trần Công Khanh, lại có hai kiện tướng về công nghệ thông tin, Phạm Kim Seng (lại một kỹ sư INSA) và Thái Quỳnh Phong, trách nhiệm site web của Chi hội, anh Phong lại còn là trách nhiệm văn nghệ. Ngoài ra giới nữ luân phiên nhau trong Ban Ẩm thực; cô Phương Anh đảm đang lo quỹ Nem Học bổng cùng cả một ê-kíp trong đó có nhiều sinh viên.

Chi hội có hai đối tác chiến lược: Hội Sinh viên Việt Nam tại Lyon và Hội Pháp Việt có tên ‘Câu lạc bộ Rhône-Mékong’ (Club Rhône-Mékong). Hội Sinh viên có sức sống trẻ, có vốn văn nghệ phong phú. Hội Rhône-Mékong (viết tắt RM) được thành lập năm 1994, tập hợp các người Pháp có cảm tình với Việt Nam và một số người Việt Nam tuy không nhiều nhưng sự có mặt của những người Việt này rất quan trọng. Chủ tịch đầu tiên là chị Diệp Thị Xuân, đảm nhiệm chức vụ 11 năm. Tiếp theo là anh Jean Pierre Nguyễn Bá Nghị, làm Chủ tịch cho đến bây giờ. Mục tiêu chính của RM là làm ra tiền cho các sinh hoạt nhân đạo, xã hội ở VN bằng cách tổ chức các bửa ăn ở Hội quán và ngoài Hội quán (nhưng được chuẩn bị từ Hội quán).  Hội RM đã làm được rất nhiều việc, xây nhiều lớp học, mỗi năm ngân sách giúp Việt Nam là khoảng 20 000 euros. Hội cũng tổ chức gala văn nghệ, các lớp dạy tiếng Việt và tiếng Anh. Hội RM sử dụng Hội quán thường xuyên, chia  phí tổn ở Hội quán với Chi hội, chú trọng việc dọn  dẹp, bảo trì Hội quán.

Trong 40 năm qua, biết bao nhiêu sinh hoạt đáng thương đáng nhớ đã diễn ra nơi Hội quán.

40nam_SinhhoatvanngheSinh hoạt văn nghệ 03/2008

40nam_NgayNguyenDu Ngày Nguyễn Du 11/2015

Hội quán đã giữ một vai trò chủ yếu để cho Chi hội thực hiện các mục tiêu chính: hướng về đất nước, phát triển đời sống cộng đồng và xây dựng bền vững tình thân thân ái với bạn bè Pháp.

40nam_BuaAnThanMat2015Bửa ăn thân mật có ca nhạc 2015

Mọi sinh hoạt của chúng ta đều nằm trong các mục tiêu trên.

 40nam_QuocKhanh2016Quốc khánh 2016

Lễ Tết của chúng ta có bề thế. Nhờ hoạt động Nem Học bổng, Chi hội giúp được 120 học bổng cho học sinh nghèo  (700 000 đ một xuất) và hai học bổng cho sinh viên (1 500 000 đ một xuất) và đẩy được công tác giúp học sinh đọc sách, mỗi năm ở các trường tiểu học chúng ta giúp, có hơn trăm ngàn lượt học sinh mượn sách mang về nhà đọc. Nhưng đúng là Chi hội cần phát triển những sinh hoạt mới hướng về con em của những gia đình trẻ Việt Nam hay Pháp Việt, như Lễ Trung Thu, Lớp học tiếng Việt…

40nam_TrungThu2016Trung Thu 2016

Chúng ta tin tưởng rằng với lòng gắn bó với quê hương Việt Nam, với đồng bào ruột thịt, với văn hóa Việt Nam, với hướng tích cực cầu tiến, Chi hội sẽ tổ chức được các sinh hoạt thích hợp để tiến lên.

                                                                           Tháng 4 năm 2017.

                                                                          

 

Mots-clés associés : , ,