Ngọn cờ
N G Ọ N C Ờ
Tiếng đạn pháo nổ chát chúa. Tiếng cành cây bị mảnh gang phạt rơi rào rào xung quanh. Khói bụi mịt mù. Nhân không biết đường nào để chạy, mệt đứt hơi, hai chân quấn vào nhau nặng như đeo đá, không sao nhấc lên được. Đến một bờ vực, bất chợt một tên lính Thái Lan hiện ra. Tên địch mặc bộ rằn ri biệt kích, nhưng ngang đầu lại quấn một cái khăn mầu đỏ như võ sĩ “kích bốc xinh”. Nó đạp thẳng vào ngực Nhân, khiến anh ngã ngửa ra sau. Họng súng AR15 dí sát thái dương, Nhân nhắm nghiền mắt lại...
- “Đoàng”!
Tiếng súng làm Nhân giật mình tỉnh giấc. Cơn mơ đêm ấy, đã đưa anh về lại chiến trường “C” hơn hai mươi năm về trước. Tiểu đội trinh sát của Nhân được tăng cường cho bộ đội “Pathét” Lào tại Samthoong. Nhóm của Nhân có nhiệm vụ đặt đài quan sát trên núi để theo dõi hoạt động của một đơn vị lính Thái Lan. Sáng hôm ấy, đến lượt Nhân lên đài. Nhật kí ghi đúng mười hai giờ trưa, đang chuẩn bị thay ca về hang ăn cơm, thì anh bỗng phát hiện bụi cây bên bờ vực trước mặt lay động. Ngay sau đó, nhô lên một người mặc áo rằn ri. Nhân phân vân: Quái sao đặc công lại lên đây vào lúc này? Vừa khi ấy, anh cũng nhìn thấy khẩu AR15. Biết là biệt kích, trong tình huống bất ngờ, không kịp suy nghĩ, Nhân điểm xạ hai phát. Tên địch bật ngửa ra sau rơi xuống vực. Tiểu đội trưởng Vũ chạy ra quát: Cái gì vậy. Nhân lắp bắp: Biệt kích lên...em bắn rồi! Vừa kịp nghe anh Vũ quát “rút”, Nhân đã nghe tiếng đạn pháo rít trên đầu... Về đến hậu cứ, ông trợ lí phòng 2 phân tích: Với lợi thế của mình, Nhân hoàn toàn có thể bắt sống tên địch, nhưng anh lại xử lí kém, làm lộ đài quan sát. Không hoàn thành nhiệm vụ, Nhân bị khiển trách trước đại đội...
Sáng chủ nhật hôm ấy, Hoành đưa cho Nhân hơn chục nghìn Mác, bảo đi Leipzig “đánh” sáu trăm cây thuốc Golden và Marlboro. Theo đường số 6, Nhân về đến thành phố thì gần nửa đêm. Xe mới vào tới đại lộ Lê Nin được một đoạn, thì bị cảnh sát bắt. Ngồi trong đồn, anh khai biên bản rằng, mình không phải là chủ hàng, địa chỉ mãi dưới Erfurt, lên đây chơi và mượn xe của một người bạn đi Leipzig có việc. Khi quay về, gặp hai người đông Âu, họ thuê chở đồ về Merseburg, anh không biết bên trong hộp các tông là hàng gì... Giúp cảnh sát lấy cung xong, cậu sinh viên được thuê tới làm phiên dịch nhắc Nhân:
- Anh làm ăn cẩn thận, kẻo hộ chiếu “thủng” đấy!
Họ dẫn Nhân lên đồn “nhà thờ” lăn tay chụp ảnh, sau đó anh phải quay về ngồi trên chiếc ghế gỗ đặt dưới chân cầu thang taị đồn “Seebener”. Cảnh sát làm việc suốt đêm, khi thì một ông say bí tỉ, khi thì một thằng choai choai non choẹt mặt lì lợm được dẫn vào. Bàn đối diện chỗ Nhân ngồi, là một cô cảnh sát đang an ủi những câu gì đó với một thanh niên có mái tóc rất nghệ sĩ, đang ôm mặt khóc nức nở... Tới khoảng sáu giờ sáng, Nhân mới thiu thiu ngủ được một tí, thì nhóm cảnh sát thay ca. Tiếng giày đinh rầm rập, tiếng súng lạch xạch tháo đạn làm anh tỉnh hẳn. Một người vừa tra súng vào bao, vừa tiến đến gần Nhân hỏi: ông có muốn uống một li cà phê? Nhân cảm ơn và lắc đầu. Lát sau, có ba cảnh sát trẻ áp tải Nhân đến tìm chủ xe. Trên đường đi, cả ba huýt sáo chuyện trò rôm rả. Họ lên thằng phòng 402 gặp Hoành, Hoành thừa nhận là bạn cùng quê và đã cho Nhân mượn xe vào sáng chủ nhật, nhưng khẳng định: Đó là chuyện riêng của anh ấy, tôi không thể biết anh ta đã làm những việc gì.
Toàn bộ số thuốc bị tịch thu, cảnh sát trả chìa khoá xe cho Nhân rồi tha anh về.
Mất thuốc, Hoành mặt mũi cau có, ném cả hai chân lên mặt bàn:
- Ông đi đứng kiểu đéo gì mà lại để nó bắt?
Nhân nói nhỏ như có vẻ nhận lỗi:
- Tớ đã cẩn thận, chờ thật muộn mới đi, nhưng không ngờ về khuya đường vắng, dễ bị cảnh sát phát hiện. Hơn nữa, đèn phanh bên trái xe của ông bị cháy...
- Hừ! Sáu trăm cây của tôi chứ ít gì!
Nhân không nói gì thêm, chỉ ngồi cúi đầu im lặng. Quá trưa, anh ra bến tàu điện trong cơn mưa dầm dề. Đế giày bị gẫy, nước thấm qua lần tất mỏng làm các ngón chân của Nhân tê lạnh. Anh phải dùng hai tay khép chặt cổ áo, cố không để bệnh viêm họng trở lại. Tuy vậy, về tới nhà Nhân vẫn bị hâm hấp sốt và anh đã thiếp đi trong cơn bom đạn tơi bời...
* * *
Cái làng Cò bé nhỏ, chỉ với hai chục nóc rạ nằm bên dòng Nhuệ Giang trong xanh, đã ủ trong nó cả tuổi thơ cằn cỗi của Nhân. Sáng đi học, chiều về chăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc, tối đến mới đốt ngọn đèn “Hoa kì” khói nghi ngút, chổng mông chổng tĩ trên chiếc chõng tre học bài. Đói và rách đeo đẳng Nhân cùng lũ bạn, cho tới tận ngày chúng lớn lên và đi khỏi cái làng ngập váng phèn...Đầu tiên là đi bộ đội, sau đó đi học và cuối cùng, sang đất khách quê người kiếm sống. Năm 1987, cơ quan giảm biên chế, Nhân được đi sang Đức lao động. Trước khi anh đi, vợ Hoành có tới gửi cho chồng một gói quà nhỏ. Nhân không có số điện thoại, nhưng lại có trong tay những hai địa chỉ của Hoành. Nhớ lại hồi mới sang, lặn lội mưa tuyết, tìm mãi, rồi cuối cùng anh cũng đến được khu nhà lắp ghép mười tầng nằm trên phố Otto - Kilian. Đây là khu nhà chuyên cho sinh viên và nghiên cứu sinh thuê. Lần đầu tiên Nhân được đi thang máy, anh tìm đến phòng 402. Một phụ nữ chừng tuổi ba mươi, người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành với viền môi khẽ một chút son hồng mở hé cánh cửa:
- Anh hỏi ại ạ?
Sợ mình nhầm phòng, Nhân ngập ngừng:
- Xin lỗi! Cho tôi hỏi, đây có phải phòng của anh Hoành không ạ? Anh Hoành nghiên cứu sinh người Ứng Hoà...
- Ai hỏi Hoành Ứng Hoà đấy?
Tiếng dép loẹt xoẹt đi ra, giọng nói oang oang chẳng lẫn vào đâu được của Hoành làm Nhân mừng quýnh. Hoành xuất hiện sau cửa với bộ dệt kim mầu xanh biển, có hai sọc trắng chạy dọc thân, rất “sì poọc”!
- Ối giời! Nhận được thư rồi, sao bây giờ mới sang?
- Ông khác quá, gặp ngoài đường chắc tôi không nhận ra.
Hoành khác thật, kính trắng gọng vàng, mắt híp lên, thêm mấy cái râu mép lưa thưa...
- Khác chứ lị, bơ sữa vào là phải khác! Hà hà.
Sau cái bắt tay và ôm nhau hồ hởi, Hoành cài xích cửa rồi quay lại phía người phụ nữ:
- Đây là anh Nhân, bạn nối khố cùng làng với anh, mới sang lao động. Còn...
Định nói câu gì nữa, nhưng Hoành lại thôi. Người phụ nữ nhanh nhẩu:
- Vâng ạ! Em chào anh.
Căn phòng hai mươi bốn mét vuông, chỉ có buồng vệ sinh là riêng, bếp liền phòng ngủ, nhưng nó đã được che lại bằng một tấm Riđô bằng nilông in hình các loại hoa sặc sỡ. Chiếc giường một trải khăn phẳng phiu, bên dưới cái chăn được gấp vuông vắn là hai chiếc gối in hình những cánh chuồn mỏng manh. Sau khi mở bia cho Nhân và Hoành, người phụ nữ nói chuyện xã giao một lúc rồi xin phép mang quần áo đi giặt. Cánh cửa phòng tắm vừa khoá lại, Nhân đưa mắt sang bạn, hiểu ý, Hoành cười:
- Hoa - người Hà Nội - cô ấy là công nhân xí nghiệp may trong thành phố, cuối tuần mới ở đây. Nào, chúc mừng ông đã sang!
Hoành nâng chai bia ghé sang, Nhân vô tình chạm khẽ vào bàn tay ba ngón của bạn.
Ngửa cổ dốc một ngụm, rồi “khà” một cái như để tự thưởng cho mình, Hoành nháy mắt:
- Này, rất mợ! “...Trông mòn con mắt đấy”!
Ngày ở làng, Hoành là đứa khôn có lõi và cũng rất táo tợn ghẹo gái. Một hôm, xã có đội chiếu bóng lưu động về, họ chiếu bộ phim chiến đấu của Liên xô “Kẻ báo thù không bao giờ bị bắt”. Tan bãi, cả đám đang trên đường về nhà, bất chợt thằng Hoành thò tay bóp vú một chị làng Thượng. Chị này kêu ầm ĩ, bọn trai làng quay cả lại, Nhân và đám bạn sợ quá ù té chạy. May có con sông Nhuệ, cả lũ lao xuống bơi thoát qua bên kia. Về đến nhà, thằng Hoành quần áo vẫn khô nguyên, vừa đút tay túi quần vừa huýt sáo. Hoá ra nó không chạy, cứ lững thững đi chẳng bị ai hỏi han gì.
Chuyện nhà chuyện cửa xong đâu đấy, Nhân bảo Hoành:
- Thấy bọn trong đội lùng sục làm ăn, tôi sốt ruột quá. Ông có cửa nào cho tôi làm cùng với.
Hỏi như vậy, nhưng qua mấy tay “cộng mốc”, Nhân cũng đã biết rằng, Hoành nổi tiếng trong giới sinh viên, nghiên cứu sinh về khoản buôn Computer. Chung vốn với một người quen ở trên sứ có hộ chiếu đỏ, người này sang bên tây Berlin “đánh” Computer về, Hoành mang đi tiêu thụ. Tiền vào như nước, nếu so với đẳng cấp ở Nga, Hoành cũng có thể lên tới hàng “soái”... Khẽ nhếch mép cười, Hoành ngửa người trên ghế, gác hai chân lên mặt bàn, làm đổ cả cái bệ bằng nhựa cắm hai lá cờ nhỏ.
- Về chuyện này, ông hỏi thì tôi cũng nói thật: Muốn làm ăn với tôi, mèng ra trong túi ông bây giờ cũng phải có trăm nghìn “đô”.
Nhân toát mồ hôi, tay run run đặt lại hai lá cờ bị đổ nghiêng. Một lá in ba mầu: đen, đỏ, vàng, ở giữa có hình bông lúa và chiếc com pa. Lá kia mầu đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Cắm những lá cờ nhỏ trên bàn làm việc, là sở thích của Hoành từ khi còn là sinh viên học ở Hà Nội.
Năm ấy, vì hoàn cảnh gia đình, Nhân nhập học chậm mất một tuần. Thầy chủ nhiệm bảo anh đến chỗ lớp trưởng ghi tên. Vào kí túc xá hỏi thăm, mọi người chỉ tới ông Hoành “cờ”. Nhân không ngờ lại là thằng Hoành cùng làng. Ngay từ khi mới nhập học, Hoành đã nổi tiếng với cái tên này. Ở góc trên của chiếc bàn học bằng gỗ tự đóng, hắn ta cắt ba lá cờ bằng giấy của Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc, cắm chung vào một cái lỗ nhỏ xíu. Có ai hỏi, Hoành bảo: Đó là những biểu tượng mang tính dẫn dắt toàn cầu! Đứng trước các cô cậu học sinh mới tốt nghiệp lớp mười, mặt còn non choẹt, thầy chủ nhiệm đề cử Hoành vào chân lớp trưởng với lời giới thiệu rất “anh hùng ca”: Đảng viên, bộ đội chiến trường, thương binh...Ấy là mọi người trong lớp kể chuyện lại với Nhân như vậy. Anh chỉ nghe, chẳng nói gì.
Nhân và Hoành sinh cùng năm, nhưng khác tháng. Vì học cùng lớp, nên hai người hay chơi với nhau hơn các bạn khác cùng làng và cũng vì một điều nữa là, Nhân có tính nhường nhịn. Năm ấy, hai đứa cùng nhận được giấy báo đi khám sức khoẻ của xã đội. Hoành hỏi: Mày thích đi bộ đội không? Nếu không, tao bảo mày cái này... “cái này” của Hoành là viên thuốc lào to bằng ngón chân cái, nuốt vào, huyết áp lên cao chót vót. Nhân không làm, anh thích đi bộ đội. Đi là thoát được cảnh chân lấm tay bùn, thoát cảnh đói rách đang dày vò. Anh muốn đi, miễn là ra khỏi làng. Tuy nhiên, Hoành cũng chỉ “né” được đoạn ấy, đến giai đoạn tổng động viên, nó vẫn phải nhập ngũ. Năm một ngàn chín trăm bảy bảy, Nhân được ra quân. Nhân về đến làng thì trước đó một năm, Hoành đã chuyển ra thị xã Hà Đông, ở một phòng trong khu tập thể cũ của bố. Bố Hoành khi ấy được điều lên làm cán bộ tổ chức của một bộ trên Hà Nội...Khi lên trình báo uỷ ban xã, anh Dân là xã đội trưởng có kể cho Nhân nghe về chuyện của Hoành: Tập tành đến tháng thứ ba, chuẩn bị đi chiến đấu thì Hoành bị thương. Miếng thủ pháo huấn luyện TNT nặng năm gram, không hiểu Hoành chắp nối hoả cụ kiểu gì, mà trong một buổi tập đêm, nổ tức thì trên tay! Bay ngón trỏ và ngón giữa, ngón cái và áp út trọng thương! Nằm ở quân y viện hơn một tháng, Hoành về lại đơn vị cũ làm anh nuôi. Quân pháp cho biết, hiện tượng cố ý làm cụt ngón tay bóp cò, đã xảy ra ở một số đơn vị quân đội, họ nhằm mục đích trốn đi chiến đấu. Tuy nhiên, trường hợp của Hoành, quân pháp không đủ chứng cớ để kết luận là tự thương, nên Hoành ra quân với lời ghi trong hồ sơ: “Tai nạn trong huấn luyện”. Mấy năm học ở Tổng hợp, chưa bao giờ Nhân nói với ai về chuyện này của Hoành.
Hoành học không vào loại thông minh như một số người trong lớp, nhưng hắn ta có một trí nhớ tuyệt vời. Ngày ôn thi vào đại học, riêng cuốn lịch sử, Hoành thuộc đến mức độ mọi người bảo, hắn có thể đọc ngược từ dưới lên trên! Trong đống sách vở, Hoành cất riêng một quyển sổ, trong đó có đủ ảnh (cắt ở báo) và tiểu sử các vị uỷ viên bộ chính trị, thỉnh thoảng lại mang ra nghiền ngẫm. Hắn rất thạo tin tức họp hành trên trung ương. Điểm bảo vệ luận án không cao, nhưng điểm thi kết thúc các môn học của Hoành thì lại cao gần như nhất lớp! Sau này ra trường, một số người về nhận công tác ngay tại các viện, mà ngày xưa các thầy đã đến giảng dạy cho lớp. Họ mới phát hiện ra rằng: Trước khi thi, Hoành với tư cách là lớp trưởng, đã đến xin các thầy hạn chế bớt câu hỏi ôn tập, để sinh viên ôn có trọng tâm. Tuy nhiên hắn lại mang về âm thầm dùng riêng, không hề thông báo lại cho lớp một chữ nào... Rồi nhờ vào mối quan hệ của bố làm công tác nhân sự trên bộ, sau tốt nghiệp, Hoành được về làm giáo viên tại một trường đảng ngay gần Hà Nội. Cái tật gác hai chân lên mặt bàn, Hoành mắc phải từ khi về trường đảng. Mỗi lần Nhân đến chơi, để thư giãn trong mấy câu chuyện phiếm, bao giờ Hoành cũng ngả người ra sau, ngáp một cái cho đã, rồi duỗi thẳng hai chân, thượng cả lên mặt bàn. Chưa bao giờ hắn cảm thấy ngại ngùng về điều ấy...
Sau ba năm công tác trên Hà Giang, khi trở về Hà Nội, Nhân nhận được tin thằng bạn “vàng” đã sang Đức làm nghiên cứu sinh.
Vào giữa năm 1989, tình hình chính trị - xã hội ở Liên Xô và các nước đông Âu biến đổi dữ dội và cuối cùng lan tới Đức. Nhà nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức chao đảo như con thuyền mỏng manh, trước các đợt sóng biểu tình của nhân dân trên các thành phố lớn. Sau đó một thời gian thì các nhà máy gần như tan rã, công nhân bắt đầu thất nghiệp và đủ các thành phần trong xã hội đổ ra đường, họ làm tất cả những gì mà họ muốn. Thoạt đầu là cánh công nhân Ba Lan đã hết hạn hợp đồng lao động, họ quay lại Đức với những xe chứa toàn băng nhạc sao chép và thuốc lá không có tem đóng thuế. Với tư duy nhạy bén về kinh tế, khi đã hết cửa Computer, Hoành nhận ngay ra mối quan hệ tiềm năng với cánh công nhân Ba Lan. Người đầu tiên hắn ta nhớ tới là Nhân. Hoành phi xe vào thẳng đội lao động gọi Nhân ra quán kem “Rossini” ở trung tâm thành phố, hắn bảo:
- Ông cứ quanh quẩn kiếm vài đồng lẻ bằng dăm ba bộ quần áo bò trong nhà máy, biết đến bao giờ đủ tiền mua Mô kích? Ông phải biết phát huy thế mạnh của mình là lái xe. Một đêm chở thuốc cho tôi, chỉ mất một tí công sức, ông có thể kiếm được bằng cả tháng chúng nó ngập mặt trong xí nhiệp.
Đúng vậy, gần hai năm nay, Nhân làm việc trong phân xưởng đột dập, làm cả ca đêm, cố lắm cũng chỉ năm, bảy trăm Mác một tháng. Chỉ đủ vã vào mồm, chẳng dư được đồng nào. Đang cơn máu kiếm tiền, Nhân nhận lời ngay... Mới thoát được vài chuyến, tưởng lên tiên, không ngờ đêm hôm ấy bị bắt.
Những tháng cuối năm, trời chuyển lạnh dần. Buổi sáng khi thức dậy, Nhân đã thấy đàn quạ đậu kín mái nhà thờ St. Marien ngoài quảng trường thành phố. Trước ngày tuyết rơi không khí như quánh lại bởi cái buốt như kim châm. Mùa đông ở Đức thật đáng sợ, trắng xoá một mầu. Gió lạnh khiến người đi ngoài đường không dám thở mạnh. Trên hè phố, tuyết được người ta vun lại thành từng đống. Thỉnh thoảng, tuyết đọng trên mái nhà xô xuống, bay trắng mù như người ta ném vôi bột. Mặt trời lên, ánh sáng lấp lánh soi trên từng hạt tuyết, nhưng nó vẫn không thể xua tan nổi cái lạnh của băng giá... Nhân bị ốm mất một tuần vì dính lạnh. Xem tivi, anh biết người ta đang phá bỏ bức tường bê tông ngăn cách đông- tây Berlin. Nước Đức đang cựa mình! Nước Đức đang muốn biến thành một cái khác nó!... Bữa có nắng ấm, anh muốn ra ngoài đi đâu đó cho khây khoả. Chủ nhật, phố xá lạnh tanh không một bóng người. Nhân thục hai tay vào túi áo dạ, bước chân lang thang chợt đưa anh tới phố Hansering, con phố có vườn hoa cột cờ rất đẹp. Ngày mới sang đây lao động, Nhân đã tới nơi này, anh bị choáng ngợp trước ngọn cờ đỏ cao tới mấy chục mét. Biểu tượng này được người ta đắp bằng xi măng, quét sơn đỏ, đứng ngạo nghễ trên một con đồi nhỏ. Ngọn cờ uấn cong cao vút, như một cánh chim đang dang rộng, vẫy vùng bay giữa tầng không. Nhân hiểu, người ta muốn ẩn dụ một sức mạnh đạp tung xiềng xích nô lệ và vươn tới tự do của giai cấp vô sản. Nhân chưa bao giờ được cầm trong tay một lá cờ đỏ, nhưng đã từ rất lâu, màu đỏ của cờ đã in đậm sâu trong trái tim anh. Khi mẹ Nhân sinh anh mới được ba tháng tuổi, bà đã nhận được tin chồng hi sinh trên mặt trận Điện Biên Phủ. Đồng đội của ông kể lại rằng, mặc dù đã bị khịu xuống vì bị trúng đạn, nhưng cha Nhân vẫn không chịu ngã xuống, tay ông vẫn ghì chặt cán cờ. Trong khói lửa ngút trời, lá cờ “Quyết chiến quyết thằng” với thương tích đầy mình, vẫn tung bay phần phật.
Bây giờ, sau những biến cố chính trị lớn lao của nước Đức, ngọn cờ không còn đỏ nữa, nó đã đã bị người ta ném lên mình loang lổ các mảng sơn đủ loại mầu! Bữa trước đi làm về, ngang qua vườn hoa Steintor, Nhân đã chứng kiến hai người công nhân dùng khoan máy, họ đang phá bỏ dòng chữ của Mác được khắc trên tấm bia đá: “Lí luận một khi đã thâm nhập được vào quần chúng, nó sẽ trở thành lực lượng vật chất thực sự”. Nhân đứng lặng hồi lâu với những suy nghĩ mung lung: Chẳng lẽ tất cả đã sang một cái khác nó?
Sau tết âm lịch năm 1990, hàng loạt các nhà máy trên mảnh đất đông Đức bị đóng cửa, công nhân người Việt bị thất nghiệp, tràn ra vỉa hè bán buôn đủ kiểu. Một số tìm cách vượt qua cửa ải biên phòng ở Berlin, để chạy sang phía Tây xin tị nạn chính trị. Trong số những người đó, có cả một ông đại diện sứ quán tại vùng Halle-Leipzig. Sốt ruột về sự biến đổi quay cuồng của thời cuộc, Nhân lại tìm đến Hoành, anh muốn biết thêm tin tức trong giới trí thức. Mấy lần trước anh đã đến, nhưng Hoành không có nhà. Lần này, vừa ra khỏi thang máy, anh đã thấy hai người Việt với một chồng sách đang đứng trước cửa phòng 402. Tưởng anh là Hoành, họ tự giới thiệu là biên tập viên tạp chí “Cộng đồng” bên tây Đức. Sau khi biết là nhầm, họ nói là vì không thể chờ đợi được, nên gửi lại số tạp chí và nhờ Nhân nói lại sự thể với Hoành... Nhìn lá cờ vàng có ba sọc đỏ in trên trang bìa cuốn sách, Nhân biết ngay đó là một cơ quan tuyên truyền của những người ở phía “bên kia”. Nhưng sao họ lại đề nghị Hoành phân phát sách này tới các đội lao động Việt Nam? Nhân tìm tới trang “mục lục” thì y như rằng, có bài viết của Hoành.
Lần đầu tiên Hoành bị lúng túng trước các câu hỏi của Nhân:
- Thì tớ viết cho vui thôi mà! Lâu không viết báo, nên ngứa tay.
- Với nội dung ấy, chẳng phải cho vui đâu ông Hoành ạ. Tôi thấy không nên! Nhưng tôi tôn trọng những suy nghĩ riêng tư của ông.
Hoành thì ậm ừ để cho qua chuyện, còn Nhân thì ngẫm nghĩ mãi về thằng bạn nối khố. Anh thấy mình không có khả năng tư duy quá “sâu xa” như Hoành, anh luôn luôn chậm một bước so với bạn!
Sau vụ tạp chí “Cộng đồng”, một hôm Hoành vui vẻ nói với Nhân:
- Tao mới mua được hai hòm của bọn ở trên Magdeburg, cho mày gửi một Mô kích và một Mi fa. Chuẩn bị đi, cuối tháng đóng hòm.
Nhân mừng lắm, đây sẽ là lần đầu tiên anh có hàng gửi về nhà. Quay lại Hoành, Nhân phân vân:
- Nhưng... bây giờ tao mới có cái Mi fa, kiếm đâu ra Xe máy?
- Từng ấy ngày mua mua bán bán, làm sao mà vẫn chưa có nổi một “con” Mô kích?
- Trời! Mày không biết thật sao? Cả mấy chục con người rồng rắn xếp hàng suốt đêm, sáng ra, cửa hàng chỉ bán đúng một chiếc rồi kêu hết xe. Cánh đội trưởng, phiên dịch trong thành phố thạo tiếng Đức, hoặc mua lại được “cầu” cũ của mấy thằng “cộng mốc”, đút tiền cho cửa hàng trưởng, moi rỗng kho từ khi xe mới về ông ạ.
- Vậy hả? Thôi được, đưa tiền đây, tao bán lại cho một “con”. Luôn tút xuỵt!
Nhân không ngờ, đó là lần cuối cùng gặp Hoành trước khi bạn về nước, mà về lúc nào, anh cũng không hay. Bỏ xuống Erfurt làm ăn một thời gian, tối hôm trở về thành phố, Nhân đến chỗ Hoành để hỏi xem tình hình hòm xiểng đã về đến nhà chưa, thì chỉ thấy cô Hoa đang ngồi trước cửa ôm mặt khóc. Hoa nhìn anh mếu máo: Anh ấy còn cầm của em gần chục nghìn, bảo là làm vốn giắt lưng cho hai người chạy sang bên kia...
Phải mất mấy tháng sau, Nhân mới nhận được thư của mẹ. Bà cụ báo tin rằng, Hoành đã về từ lâu, nhưng ở luôn ngoài Hà Nội, nên không gặp. Sau đó Hoành chuyển vợ con vào cả trong thành phố Hồ Chí Minh, bây giờ không biết địa chỉ ở đâu mà tìm... Đọc thư của mẹ xong, Nhân ngồi lặng đi, anh miên man nghĩ về cái làng Cò bé nhỏ, ở đó mỗi sáng mùa đông, khi sương vẫn còn chưa tan trên con đường làng khúc khuỷu, có tiếng một thằng bé con gọi bạn: Hoành ơi đi học!
* * *
Một người đàn ông ăn vận đơn giản nhưng lịch lãm, mái tóc đã điểm bạc đứng trước cổng Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ông ta trình giấy tờ rồi xin anh công an cho vào thăm ông phó chủ tịch, nói là bạn học. Sau khi bấm máy gọi vào văn phòng xin ý kiến, anh công an hướng dẫn người đàn ông vào chờ trong nhà khách. Được tiếp tân mời nước ngay, nhưng cũng phải tới nửa tiếng sau, mới có một ông tự giới thiệu là chánh văn phòng Uỷ ban bước vào. Sau cái bắt tay nồng ấm là một lời xin lỗi rất đáng tiếc rằng, ông phó chủ tịch đã đi công tác xa chưa về.
- Xin ông cho biết quý danh và nếu có Cạc vi dít, xin ông gửi lại để chúng tôi báo lại cho anh Hoành tiện liên hệ.
- Cảm ơn anh! Chỗ là bạn học ngày xưa, biết anh Hoành làm việc ở đây, tôi đi qua tiện thể ghé thăm. Cũng không có gì quan trọng đâu ạ.
Ông chánh văn phòng lịch sự tiễn khách xuống hết chân bậc tam cấp rồi quay lại.
Ra đến giữa sân Uỷ ban, ông Nhân dừng lại trước cột cờ. Ông ngước nhìn lá quốc kì đang tung bay phần phật. Màu đỏ thắm và ngôi sao vàng năm cánh của nó, đã làm ông chợt như nhìn thấy người cha thân yêu, đang phất cao ngọn cờ đỏ như lửa trên chiến trường Điện Biên năm xưa... và giờ đây, gió đã cuốn ngọn lửa ấy, bay mãi về tận nơi cuối trời...
“ Ngọn cờ là quan trọng, nhưng người cầm cờ còn quan trọng hơn thế nhiều”.
Ông Nhân thở dài và nghĩ như vậy.
Halle/Saale, 27.7.2016 – Mùa hạ Bính Thân.