Aller au contenu. | Aller à la navigation

Outils personnels

This is SunRain Plone Theme

Navigation

Vous êtes ici : Accueil / Articles / Tản văn / Lời tiên tri cuối cùng

Lời tiên tri cuối cùng

Ghi chép

   Mấy năm học cấp 3 ở trường Phú Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tây cũ), tôi ở trọ tại nhà bác Xuân, làng Nội Hợp, bác có nghề gò thùng và sửa chữa khóa. Nội Hợp là làng của anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát. Năm tôi vào học lớp 8, anh Soát mới đi học lái máy bay ở Liên Xô về, thăm lại trường, anh được các thầy cô và học sinh đón tiếp nồng nhiệt. Tôi và thằng Tuấn con bác Xuân thi thoảng có sang nhà chơi với Sáng- em trai của anh Soát. Thường thì chúng tôi theo đường quốc lộ 1 để vào cổng chính, nhưng nếu đi tắt, chỉ vài bước chân qua mấy thửa ruộng trồng màu và một bãi tha ma nhỏ, là chúng tôi tới được phía sau trường. Học đến tháng 12 năm 1971, tôi phải đi bộ đội. Các bạn học cùng lớp sau đó tốt nghiệp ra trường, rồi tứ tán muôn phương. Ít người gặp lại được nhau. Bạn nữ đầu tiên trong lớp, tôi gặp lại sau 17 năm là Kim Tiến. Kim Tiến vẫn vậy, nói nhanh, làm việc gì cũng thoăn thoắt.
   Năm 1988, khi đang công tác tại Sơn Tây, tôi được phép chuyển ngành. Đảng ủy trường sĩ quan chỉ huy kĩ thuật tên lửa - rada quyết định cho tôi đi lao động tai Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Nhưng khi danh sách được chuyển lên phòng cán bộ quân chủng phòng không, với một lí do tham vọng nào đó, người ta đã đánh tráo tôi sang đi Liên Xô. Một mặt, tôi chấp hành lệnh đi khám sức khỏe, nhưng mặt khác tôi vẫn viết đơn khiếu nại gửi lên các cấp. Nếu đi Liên Xô, tôi sẽ có cơ may làm đội trưởng một đội lao động. Theo nguyên tắc, các đội trưởng được chọn, phải học tiếng Nga trong vòng 3 tháng. Và chính vì vậy, tại trường Đại học ngoại ngữ Thanh Xuân - Hà Nội, tôi đã gặp lại Kim Tiến. Từ mấy năm trước, cô ấy đã tốt nghiệp Đại học sư phạm, khoa ngôn ngữ Nga tại Liên Xô. Tôi học trong lớp của một người bạn Kim Tiến. Lớp này có 15 đội trưởng, họ đã học được một tháng rồi… Mới học được khoảng hai tuần, nhờ có sự can thiệp kịp thời của chủ nhiệm chính trị quân chủng, tôi lại được trở về đơn vị để nhận quyết định đi làm công nhân lao động ở Đức. Tạm biệt bạn ra đi và tôi không ngờ rằng, cái con người gầy yếu bé nhỏ nhất lớp 10b năm xưa, sau này phải hứng chịu một nỗi đau - nếu không nói là: một trong những nỗi đau lớn nhất của đời người.
   Sang Đức, cũng như bao đồng ngũ khác, chúng tôi quăng thân vào một cuộc “chiến” mới, cố giành giật lấy những đồng Mác quý báu để gửi về nhà. Năm tháng qua dần đi trên những nhọc nhằn mưu sinh nơi đất khách, bạn bè bằng hữu xưa chẳng được gặp nhau nữa, “bóng chim, tăm cá” cứ ngày một xa dần. Mãi cho đến một ngày đông, vào năm 2010, bỗng nhiên tôi nhận được phôn của Phạm Chí Vĩnh - bạn cùng lớp - một trong những học sinh giỏi toán nhất trường Phú Xuyên. Lúc ấy, Vĩnh đã là phó giáo sư - tiến sĩ toán học (anh công tác tại  trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội) sang Đức công tác. Theo hẹn, tôi tới gặp Vĩnh tại nhà khách của trường đại học Jena. Chúng tôi có cả một đêm để hồi tưởng lại thuở học trò. Mỗi khi Vĩnh nhắc đến tên các thầy cô và các bạn nào, là tôi nhớ ngay ra con người ấy, với cả hình dáng và tính cách riêng biệt. Đến lượt Kim Tiến, giọng cậu ta trùng hẳn xuống: Kim Tiến có người con gái đầu lòng, bị mất tích ở Nga từ năm 1993, nay vẫn chưa tìm thấy.
Tôi bàng hoàng! Thật xót xa! Chỉ khi ta đã là cha, là mẹ rồi mới thấm được cái nỗi đau này. Chuyện cũng chỉ nghe qua lời bạn bè, chúng tôi không biết gia đình Kim Tiến sống ở đâu. Sau này, tôi còn đau lòng hơn nữa khi biết rằng, lúc Vĩnh kể chuyện đó cho tôi nghe, cậu ấy đã phải nén chặt xúc cảm trong lòng, vì chính vợ chồng Vĩnh cũng bị mất người con gái thân yêu ở bên Nhật .
   Thời gian trôi đi, nhưng câu chuyện cô con gái của Kim Tiến bị mất tích cứ ẩn hiện không nguôi trong tôi. Mãi cho tới ngày 14.7.2014, tôi nhận được Mail của nhà thơ Thế Dũng trên Berlin. Anh gửi cho tôi một bài chuyển tiếp từ một người là NHH - bài của một người Việt bên Nga, viết về vụ lộn xộn trong ngày biểu tình chống Trung Quốc ở Berlin… Do nhầm lẫn, tôi đã viết lại cho NHH, có ý phê bình anh viết cẩu thả (bài viết có nhiều lời tục). NHH trả lời nhã nhặn rằng: bài ấy không phải do anh viết, chỉ chuyển qua cho Dũng đọc để biết và anh chưa bao giờ tham gia tranh luận với ai. Tôi xin lỗi anh và sau khi thư đi, thư lại, rồi tìm trên mạng, tôi sửng sốt vì phát hiện ra: NHH chính là nhà thơ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng - chồng của Kim Tiến.
   Kim Tiến kết hôn với anh Nguyễn Huy Hoàng (quê Hà Tĩnh), khi ấy anh Hoàng là cán bộ giảng dạy môn văn học Nga, tại khoa văn, trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Năm 1989, cả hai anh chị đều được sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Cháu Quỳnh Nga sinh năm 1981 được đi theo bố mẹ. Từ chỗ không biết tiếng Nga, sau 2 năm học tại trường phổ thông số 222 ở Maxcova, Quỳnh Nga đã trở thành học sinh xuất sắc của trường. Khi trao giải thưởng cho em, cô giáo chủ nhiệm lớp đã nói: Các em người Nga nào mà còn yếu kém, các em phải tự thấy xấu hổ trước cô bé Việt Nam nhỏ bé này. Mùa hè năm 1993, để giữ lời hứa và động viên con về thành tích học tập, bố mẹ đã gửi Quỳnh Nga đi theo một gia đình người bạn tới Xôchi để nghỉ mát. Và đây, chính là chuyến đi định mệnh của Quỳnh Nga đáng thương, chuyến đi đã làm chỉ trong một thời gian ngắn, tóc cha trở nên bạc trắng và cơ thể mẹ chỉ còn 36 kg. Số là, chỉ trong vòng mấy chục phút để Quỳnh Nga ngồi nói chuyện với một phụ nữ người Kapkaz (người này đã làm quen với Q.Nga từ trên xe buýt) trên bờ biển, khi tắm xong quay lên, gia đình người bạn đã không thể tìm thấy cô bé ở đâu nữa.
   Vợ chồng anh Hoàng đã ở Xôchi trong 6 tháng liền và dùng mọi biện pháp như dán tờ rơi, cầm ảnh Quỳnh Nga đi hỏi từng người… nhưng cuối cùng họ đành trở lại Maxcova trong thân hình tiều tụy và nỗi niềm đớn đau. Sau khi đọc được mẩu tin tìm trẻ lạc trên báo, Giáo sư viện sĩ, Đại tá công an I.U.Dubiaghin - chủ tịch hội tìm kiếm trẻ thất lạc toàn Nga, đã nhận lời và hẹn vợ chồng anh tới văn phòng để hỏi về chuyện cháu Quỳnh Nga bị mất tích. Sau đó ông đã đề nghị các đài truyền hình và báo chí Nga phát tin miễn phí vụ mất tích bí ẩn này. Huy Hoàng có một thầy giáo hướng dẫn luận án, thầy tên là V.N. Turbin, cháu Quỳnh Nga lại chơi rất thân với con gái của thầy, nên hai gia đình trở nên gần gũi. Ông bà Turbin nhân từ là những người đã thống hiểu trăm nỗi khó khăn gian khổ của các gia đình sinh viên- nghiên cứu sinh nước ngoài, khi họ đang phải đối mặt với một xã hội Nga đang thời kì lột xác. Vì vậy khi biết tin cháu Quỳnh Nga bị bắt cóc và đâu đó, có người đã nhắn nhe đòi tiền chuộc, ông bà Turbin đã mang đến đặt vào tay vợ chồng Huy Hoàng cuốn sổ tiết kiệm – cuốn sổ tích cóp cả 40 năm lao động của cả hai vợ chồng. Ông bảo: Miễn là tìm được cháu về. Mặc dù còn đang thiếu thốn trăm bề, nhưng trong nước mắt, vợ chồng bạn tôi chỉ dám xin nhận tình cảm sâu đậm và chân thực của hai trái tim Nga vĩ đại... Cũng bắt đầu từ ngày đấy, vợ chồng anh Hoàng đã dốc toàn bộ thời gian và sức lực có thể, để tìm lại con gái thân yêu của mình trên mảnh đất mênh mông lạnh giá và đang phủ dày bạo lực.
   Trong trường đại học Lômônôxôp có một nữ Tiến sĩ khoa học người Bungari. Chị là hiệu phó trường Đại học tổng hợp Sophia và là bạn thân của người trợ lí cho nhà tiên tri mù Vanga. Thấu hiểu với nỗi niềm đau khổ của người bạn Việt Nam, sẵn mối quan hệ riêng, chị đã đề nghị nhà tiên tri Vanga giúp đỡ. Bà Baba Vanga (tên thật là Vangelia Pandeva Dimitrova) sinh 31.11.1911. Năm 12 tuổi, bà bị lốc cuốn và hỏng cả hai mắt và 4 năm sau, bà bắt đầu nói những lời tiên tri đầu tiên. Trước 1939, bà đã tiên tri đúng chiến tranh thế giới lần 2 nổ ra. Sau này tới sự kiện 11.9 ở Mĩ, cũng như vụ tàu ngầm Kursk của Nga bị chìm dưới biển… bà đều có cảnh báo chính xác. Bà trở thành nhà tiên tri nổi tiếng thế giới vì có tới 80% lời bà nói đều trở thành sự thật. Bà đã được nhà nước Bungari trả lương như một nhân viên của chính phủ. Nhiều Nguyên thủ quốc gia đã phải tới cầu cạnh bà. Vì được chính người trợ lí tin cậy của mình đề nghị, rồi bà lại có một đồng cảm sâu sắc tới sự trùng hợp ngẫu nhiên cùng ở tuổi 12 khi bị nạn và với niềm cảm thông thương sót trước câu chuyện của gia đình anh Hoàng, nên bà đã nhận lời giúp đỡ. Bà tiến sĩ khoa học người Bungari đã giữ lời hứa, bà lo giấy mời cho Kim Tiến sang Bulgari để diện kiến bà Vanga. Lên sứ quán Bungari tại Nga, giấy mời Kim Tiến được chấp thuận. Nhưng khi ra tới sân bay thì điều không ngờ xảy ra: nhân viên sứ quán Bungari đã quên không đóng dấu vào Visa trong hộ chiếu. Sau khi nghe trợ lí báo cáo lại sự cố, bà Vanga yêu cầu gửi tới cho bà 3 viên đường và người cha phải ấp vào lòng bàn tay, truyền nhiệt cho ấm lên…Sau đó như hẹn, bà cho người viết thư trả lời: “Ta không thể nói cho anh biết, anh sẽ tìm được con gái của anh như thế nào, nhưng con bé vẫn còn sống, vợ chồng anh sẽ gặp lại cháu ở nước Nga”. Cùng với việc gửi đồ vật có liên quan tới cháu Quỳnh Nga sang Bungari, vợ chồng anh Hoàng còn mua một con búp bê và tìm đến được ngôi làng có nghề dệt khăn choàng Nga nổi tiếng, để tìm mua tặng bà Vanga một chiếc khăn tuyệt đẹp. Bà Vanga vui vẻ nhận chiếc khăn choàng, nhưng đã trả lại con búp bê, với ý nghĩa: Như là một món quà tặng lại cho Quỳnh Nga sau này. Lần đầu tiên, sau ngày cháu bị thất lạc, anh chị mới vơi được nỗi đau xé lòng, nhờ vào lời tiên đoán của nhà tiên tri mù rằng:“con bé vẫn còn sống”.
  
Bà Vanga đã để lại cho loài người những lời tiên tri đến tận năm 3797. Nhưng không ai ngờ được rằng, lời tiên đoán về cháu bé người Việt Nam - Quỳnh Nga năm ấy, lại là lời tiên đoán cuối cùng của nhà tiên tri mù nặng tình nặng nghĩa với con người. Bà Baba Vanga đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện lớn nhất Sophia vào ngày 11.8.1996, trong một ca phẫu thuật mở khí quản. Cái chết bất chợt đến với bà chỉ vì ca mổ bỗng nhiên mất điện hoàn toàn. Vì vậy, bà đã không kịp để lại cho hậu thế một lời trối trăng nào.
   Sau khi vợ chồng Huy Hoàng và Kim Tiến bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, cánh cửa các trường đại học ở Việt Nam đã mở rộng đón họ trở về. Nhưng vì niềm xót thương và nhớ nhung đứa con vô bờ, vì hi vọng vào lời tiên tri màu nhiệm của bà Vanga, nên anh chị đã quyết định ở lại nước Nga, dù phải làm mọi việc nhiều như có thể, để tìm kiếm và chờ đón một ngày đứa con gái thân yêu trở về.
   Đằng đẵng hơn 20 năm nay, vợ chồng anh Hoàng đã suốt “đêm canh ngọn đèn đợi sáng”, chờ một tin nhắn… chờ một tiếng gọi cửa…Và cũng từ đấy, những câu thơ viết về con của anh đã làm xé lòng bạn đọc:
                        “Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng chín
                          Gió thay chiều, đổi hướng những rừng cây
                          Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng
                          Con ở đâu trên cõi nước Nga này?”

   Năm tháng cứ  lững lờ trôi qua, thời gian đã vô tình vắt sang hai thế kỉ. Nhọc nhằn mưu sinh cứ chất đầy lên đôi vai những người con tha hương và nỗi nhớ mong xen lẫn niềm hi vọng ngày càng khoét sâu trong tâm can của cha mẹ cô bé bất hạnh. “Bóng chim tăm cá” biết nơi nao để tìm?

   Mãi tới tháng 1 năm 2015, tại Maxcova, bỗng một hôm, Huy Hoàng nhận được một thông tin hết sức bí ẩn từ Việt Nam. Người này truyền lại lời của “Thầy” nói rằng: Quỳnh Nga đang sống tại một thị trấn nhỏ (x) thuộc vùng biên giới phía Đông Nam nước Đức, cách Berlin gần 400 km... Nhận được phôn từ nước Nga, tôi và anh Đặng Bá Việt - một người bạn của Huy Hoàng - khăn gói lên đường. Xe chúng tôi lượn theo những con đèo gập ghềnh và xuyên qua những trận mưa tuyết mịt mùng miền biên ải, bắt đầu một cuộc tìm kiếm, đi theo sự chỉ đường của niềm tin và hi vọng...

    Biết đâu, lời tiên tri ngày nào của bà Vanga đang trở thành sự thật?

 

                                                          Halle/S. 7.2014 - 9.2015 – Mùa thu Ất Mùi.

 

Một số tiên đoán của bà Vanga:
- Năm 2016, châu Âu gần như không có người sống.
- 2018, Trung Quốc vươn lên vị trí cường quốc số 1 thế giới.
- 2043, người Hồi giáo cai quản châu Âu.
- 2046, toàn bộ các cơ quan trong cơ thể con người đều có khả năng được cấy ghép.
- 2066 Mĩ sử dụng vũ khí mới-vũ khí thời tiết.
- 2076, xã hội không còn phân chia giai tầng- chủ nghĩa Cộng sản(của Mác-Ăngel - lời tác giả) hình thành.
- 2084, loài người khôi phục lại thiên nhiên.
- 2088, Loài người mắc bệnh lạ: lão hóa chỉ xảy ra trong vài giây.

- 3797, Kết thúc sự sống trên trái đất. Bắt đầu cuộc sống mới ở hệ mặt trời khác của loài người.



 

 

 

 

 

 

 

Mots-clés associés :