Aller au contenu. | Aller à la navigation

Outils personnels

This is SunRain Plone Theme

Navigation

Vous êtes ici : Accueil / Articles / Tản văn / Người đi muôn dặm

Người đi muôn dặm

Ký của Nguyễn Công Tiến (Đức)

Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
(Nguyễn Du)

Lớp học thanh nhạc quần chúng lưu luyến chia tay Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa, để trở về thành phố Halle trong một đêm cuối tháng tư mưa tầm tã. Họ về với ngôi nhà ấm êm. Còn chị lại tiếp tục một mình ra đi trên muôn dặm nẻo đường trời Âu - có cả những dải nắng ấm nồng và từng cơn gió tê lạnh - để đi tìm tài năng âm nhạc trên những “cánh đồng bất tận”.

Đầu tháng tư năm 2014, lớp học hẹn đón chị tại thành phố Leipzig, trong một căn phòng hẹp của các cháu học sinh lớp tiếng Việt. Sau chuyến bay dài vạn dặm từ Nội Bài tới Frankfurt, chị lại một mình vượt trên 400 km bằng tàu hỏa để đến chỗ hẹn lúc 11 giờ. Quả là một kì tích… Cũng như vậy, năm ngoái họ đã mời một ca sĩ ở Việt Nam, nhưng rất tiếc, không thành công. Vị ca sĩ này đưa ra một số điều kiện, trong đó có điều kiện đón đưa rất phức tạp… Dân văn nghệ ở Đức, không phải là dân làm văn nghệ chuyên nghiệp, chỉ “đá” ở hạng chân đất, do đó không thể đáp ứng nổi. Bên này, mọi người đều có cửa hàng kinh doanh, từ thứ hai đến thứ bẩy là người ngập trong việc, ngẩng đầu lên đã không thấy mặt trời. Tình cảm chứa chan, nhưng thời gian thì rất eo hẹp. Nghệ sĩ nào nếu không vì nghề, vì nghiệp và vì duyên chắc không tới được. Hôm ấy, ngay cả một số học viên sở tại cũng còn đến muộn. Vậy, tôi nói là một “kì tích” cũng không ngoa.

Mục đích chuyến đi lần này của NSND Thanh Hoa là huấn luyện một số kĩ thuật sơ đẳng về thanh nhạc, cho những người “hay hát”. Để tạo ra một phong trào ca hát quần chúng ở Đức, chuyến đi lần trước của chị là “thất bại” - theo chị nói. Thất bại bởi vì chưa học đã hát. Lần này chị có phương pháp khác: học xong mới hát. Trong lớp này, người ít tuổi nhất thì cũng 40 - ngang tuổi con gái chị, họ gọi chị bằng “cô” và xưng “con”; “lão tướng” nhất thì chỉ kém chị 2 tuổi, gọi “bác” và xưng “em”. Ngần ấy năm trời, ngày nào họ cũng hát, miệng thành tật rồi, rất khó sửa. Vậy mà chị vẫn kiên trì uấn nắn đến thành công. Phải là người nghệ sĩ có tâm huyết với nghề nghiệp, có tình cảm chân thành, bao dung lắm mới làm việc được với văn nghệ quần chúng. Lúc vui chuyện, chị hay mang cái tuổi Hổ ra để “dọa” chúng tôi. Quả thật, chị là người nóng như hỏa, cũng chao trát và khi cần, cũng có thể cho mấy cái vào mặt “kẻ ăn không nói có nào đó”… Ngày xưa, khi huấn luyện những sinh viên trường nhạc, ai chỉ sai đến lần 3 là chị vỗ đàn đứng dậy. Khóc cũng mặc. Hình như chị được sinh ra chỉ để hát, ai cũng phải nghe mình hát, mình nói. Ấy vậy mà đến với chúng tôi, chị lại hết sức lắng nghe. Chị thực lòng: Tôi đến với các bạn cũng là để học chữ Nhẫn. Tôi luôn tự nhủ mình rằng, phải kiên trì. Các bạn hát được là nhờ trái tim, chứ không phải nhờ kĩ thuật thanh nhạc. Có học viên lặn lội mấy trăm cây số đến nằn nì xin chị dạy hát…chèo. Chị bảo: tất nhiên, bất cứ ai đã bỏ sức lao động ra, đều được nhận lại tiền công, tôi dạy các em hát cũng vậy. Nhưng chồng cả đống tiền ra đấy, tôi cũng không dám dạy em, vì tôi không biết gì về chèo. Chị kiên trì thuyết phục và cuối cùng học viên đó rất thành công trong một bài nhạc nhẹ. Có người bạn nào đó, thấy vui đến chơi cũng vào xin chị dạy hát. Tuy chỉ vài chục phút thôi, nhưng chị chỉ bảo rất tận tình. Trong huấn luyện, chị đòi hỏi cao và nghiêm túc. Vào giờ làm việc, chị luôn khoác trên mình những bộ trang phục đẹp và như chị nói: Không bao giờ để mặt “mộc”, mình tôn trọng mình cũng là tôn trọng học viên. Giờ nghỉ, chị hay khấy động không gian bằng những câu chuyện “tiếu lâm” trong làng giải trí. Thỉnh thảng chị cũng mang đôi chân “ngắn nhất quả đất” của mình ra để trào lộng. Sau mỗi câu chuyện vui, mọi người cười nghiêng ngả, chị lại đập tay xuống bàn: Tao thề với mày đấy. Không khí thân mật như chuyện của đám bạn bè. Trong một lần huấn luyện, tay chị vừa lướt trên phím đàn, mắt chị nhìn cháu bé, miệng chị vừa gọi: Thuỷ ơi! Mũi của con này. Cô Thủy từ trong bếp chạy ra, vội bế thốc đứa nhỏ đi. Tôi bật cười nhìn chị - hệt như một người mẹ hay người bà nào đó, đang quán xuyến công việc gia đình. Trong con người nghệ sĩ lớn này, hình như vẫn còn một góc nhỏ, ngõ nhỏ nào đó chứa đựng cái chất “hai lúa” mộc mạc chân thành.

Con trai của NSND Thanh Hoa cũng theo nghề của mẹ, anh cũng đã sang Đức biểu diễn. Chúng tôi hỏi chị: Chắc chị rất dày công huấn luyện kĩ thuật thanh nhạc cho con. Chị nói: Điều đó là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là dạy con có tình người - tình đồng loại. Sáng dậy, nhâm nhi li cà phê nóng, anh phải biết hôm nay lũ lụt những đâu; bữa tối với một mâm cơm thịnh soạn, anh phải biết xót xa cho những thân phận còn đang nghèo khó. Cái tâm phải động như vậy thì mới có cái đẹp trong lời ca. Nghe các bạn hát, tôi biết chẳng ai có thể làm được ca sĩ, nhưng tôi biết chắc chắn rằng, tâm các bạn rất trong sáng. Những người biết chân trọng các giá trị nghệ thuật, yêu ca hát là những người không bao giờ làm được điều ác. Có lẽ cũng với những suy nghĩ như vậy, mà chị đã có kế hoạch, vào tháng 7 này, cùng chồng và con trai sang Cộng hòa Séc biểu diễn để gây quỹ từ thiện.

Trong cuộc đời phục vụ nghệ thuật của mình, NSND Thanh Hoa đã thể hiện hàng trăm ca khúc đi vào lòng người. Nhưng để lại dấu ấn sâu đậm nhất, phải kể tới 2 ca ca khúc: “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” và “Tàu anh qua núi”. Năm 1981, tôi công tác tại trường văn hóa quân chủng phòng không, doanh trại ở sát sân bay Bạch Mai. Cách chỗ chúng tôi ở không xa là đoàn văn công của quân chủng không quân. Đội trưởng đội ca của đoàn văn công này là Đại úy Nguyễn Ngọc Khuê. Sau một thời gian dài thai nghén, anh đã cho ra đời bài hát “Làng lúa làng hoa”. Lúc đầu anh tự trình bày tác phẩm của mình, sau đó anh dàn dựng cho tốp ca nữ của đoàn. Bài hát được trình diễn ở nhiều nơi, tuy nhiên chưa gây được tiếng vang. Chị Thanh Hoa kể: Năm 1982, nhạc sĩ Ngọc Khuê đem bài hát đến giới thiệu với đài tiếng nói Viêt Nam. Nhạc sĩ Thế Song lúc đó là biên tập viên ban ca nhạc, đề nghị với anh Ngọc Khuê rằng, tên bài hát là “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”. Anh Khuê thì lại đề nghị cho tốp nữ của đoàn văn công không quân trình bày. Lúc này, chị được mời tham gia, nhưng chỉ với vai trò là người lĩnh xướng. Luyện tập xong, tới ngày thu âm thì xảy ra sự cố: hai ca sĩ hát ở bè 2 không tới được vì con bị ốm. Chỉ có 4 ca sĩ ở bè 1 thì không thể làm việc được, tưởng như cuộc thu âm hoàn toàn thất bại… Đến phút cuối cùng, Thanh Hoa mạnh dạn đề nghị để chị đơn ca. Lúc đầu, có ý kiến không đồng ý, sau thấy chị quyết tâm, mọi người đều tán thành. Vừa trình bày xong bài hát, nhạc trưởng Cao Việt Bách chỉ chiếc đũa vào Thanh Hoa, ông phấn khởi: Được đấy mày ạ! Nào hát lại để vào băng… Kể từ ngày hôm ấy, khán giả nghe đài cả nước biết tới nhạc sĩ Ngọc Khuê và lại biết thêm một bài hát để đời nữa của ca sĩ Thanh Hoa.

Cũng liên quan tới ngày tôi còn công tác ở trường văn hóa phòng không, nhưng ở một ca khúc khác, xin được mạn phép nói ra ở đây: đó là bài “Hành khúc ngày và đêm” (nhạc Phan Huỳnh Điểu, lời thơ Bùi Công Minh). Đại úy Bùi Công Minh lúc đó là giáo viên dạy văn của trường (trước kia anh là lính pháo thủ), vợ anh là giáo viên. Từ hoàn cảnh của chính mình, anh đã làm thơ. Sau khi đọc được thơ anh trên báo Quân đội nhân dân, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc. Bài hát này cũng nổi tiếng một thời. Tuy nhiên, thính giả cả nước, thậm chí ngay cả những biên tập viên âm nhạc, hầu hết đều không biết tới tên người đã sáng tác phần lời. Có lần anh Đăng Tấn - bạn tôi - hỏi anh Minh: Khi phổ bài này, nhạc sĩ phan Huỳnh Điểu có liên hệ và hỏi anh không? Anh cười: Được một nhạc sĩ lớn phổ nhạc thơ mình, đã vinh dự rồi, hỏi han chi nữa!

 

thanh hoa

NSND Thanh Hoa và tác giả ở Halle.

Năm 1975-1976, tôi là lính thuộc sư đoàn 341b. Đơn vị tôi chịu trách nhiệm thi công tuyến đường sắt Minh Cầm-Tiên An. Trong khi phá núi mở đường, không ít đồng đội tôi đã phải hi sinh vì vướng bom bi còn sót lại. Hòa bình rồi, có người còn chưa kịp về thăm quê đã phải nằm xuống… Câu chuyện tôi kể đã khiến NSND Thanh Hoa xúc động và làm chị nhớ lại cái ngày nhạc sĩ Phan Lạc Hoa xuất thần sáng tác bài “Tàu anh qua núi”: Lúc đó là vào năm 1976 hay 77 (chị cũng không còn nhớ rõ). Anh Phan Lạc Hoa khi ấy làm phát thanh viên trên tàu Thống nhất. Anh chị vào Nam chuyến ấy là để thăm người thân của anh Hoa, họ di cư vào Nam từ 1954. Con tàu khởi hành dưới sự chỉ huy của trưởng tàu Quý. Đang đi trên đèo Hải Vân thì mọi người bỗng nghe tàu kéo một hồi còi dài. Chờ cho âm vang tiếng còi lắng hẳn, anh Quý chỉ tay ra ngoài và nói: chỗ tàu vừa đi qua, là nơi người yêu tôi đã hy sinh… Anh Quý yêu một cô công nhân đường sắt, hai người đã đính hôn và chỉ chờ ngày làm đám cưới. Nhưng rồi một ngày…anh không thấy cô đứng chờ tàu anh tới nữa… Trái bom bi oan nghiệt đã cướp đi người con gái yêu thương nhất trong đời anh. Sau này, mỗi lần qua chỗ người yêu nằm xuống, anh lại để con tàu kéo lên một hồi còi dài vút cao vĩnh biệt.

Xúc động dâng trào trong con người nghệ sĩ Phan Lạc Hoa, anh lấy đàn xuống và đi những nốt đầu tiên cho một tác phẩm để đời. Ngồi bên cạnh chồng, chị Thanh Hoa tích cực giúp anh lựa chọn nhạc và lời cho bài hát. Khi anh chị trở ra Bắc thì ca khúc “Tàu anh qua núi” đã được viết xong (về cơ bản thì giống như bây giờ). Biết tin có “văn công lưu động” chuẩn bị biểu diễn trên tàu, hành khách kéo đến rất đông, đặc biệt là trưởng tàu Quý, anh hết sức hồi hộp. Khi con tàu bắt đầu leo dốc đèo Hải Vân, thì tiếng đàn, lời ca của họ cũng bắt đầu vang lên. Giai điệu thiết tha của bài hát, quện với nhịp bánh tàu quay trên con đèo lịch sử, đã chinh phục hoàn toàn người nghe… Tuy nhiên, phải chờ tới ngày anh chị đi công diễn ở thành phố Nam Định, tên tuổi Phan Lạc Hoa và Thanh Hoa mới được công chúng biết tới. Bài hát đã được nhạc sĩ Huy Thư phối khí và trong đêm ấy, chị Thanh Hoa phải hát lại tới 3 lần theo yêu cầu của khán giả. Lần thứ 3, khi chuẩn bị vào đoạn kết, chị bỗng có một quyết định táo bạo: nâng cao độ cho 2 từ “mấy núi”, riêng từ “núi” được chị nâng lên tới nốt “són” và kéo dài trường độ. Sự phá cách ngoạn mục và bất ngờ đó, đã làm cả hội trường dậy sóng trong tiếng vỗ tay tưởng như không dứt. Thắng lợi vẻ vang, nhưng về đến nhà chị bị anh Hoa mắng: Để vào kết, tàu phải đi xa dần và nhỏ dần, sao bỗng dưng em lại cho nó vút lên như vậy?... Nhưng cả anh và chị đều không thể ngờ rằng, giây phút lên cao xuất thần đó, cũng giống một hồi còi dài, khắc khoải trên đèo Hải Vân hôm nao, như một định mệnh báo trước cho một cuộc tình sáng trong, dâng hiến nhưng đầy xót thương đau đớn.

Với 40 năm phục vụ nghệ thuật, NSND Thanh Hoa là một trong những nghệ sĩ có giọng hát được nhiều người ưa thích nhất. Chị hát không chỉ với giọng ca đằm thắm ngọt ngào, mà chị còn hát bằng cả trái tim thương yêu. Năm 2001, vì công lao to lớn của mình với ngành nghệ thuật, chị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. NSND Thanh Hoa cũng là nữ ca sĩ duy nhất (cho đến nay) được vinh danh trong bảo tàng phụ nữ Việt Nam… Chỉ đơn giản vậy thôi, cũng đủ để nói lên tài năng và nhân cách của một con người.

Chúc cho NSND Thanh Hoa - “Người đàn bà hát” - chân cứng đá mềm, trên con đường muôn dặm.

 Halle/S.  2014  lập hạ Giáp Ngọ.
Nguyễn Công Tiến