Aller au contenu. | Aller à la navigation

Outils personnels

This is SunRain Plone Theme

Navigation

Vous êtes ici : Accueil / Articles / Tản văn / ÂU CHÂU VÀ NGƯỜI GIÀ

ÂU CHÂU VÀ NGƯỜI GIÀ

 

ÂU CHÂU VÀ NGƯỜI GIÀ

 

Là một bác sĩ nay về hưu, tôi có theo dõi vấn đề người già và hưu trí ở Pháp từ nhiều năm nay (Quelques idées pour améliorer la vie de nos ainés, tạp san Đoàn Kết , 01-2013, Paris ). Từ thời điểm trên, vấn đề người già ở Pháp và Âu châu nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, có nhiều bước trầm trọng hơn vì nạn thất nghiệp tăng gia , các quỹ xã hội ( đặc biệt quỹ chữa bệnh – assurance maladie, quỹ tiền hưu trí-caisse de retraite) trong tương lai sẽ gặp thêm nhiều khó khăn vì số người hưu trí sẽ gia tăng .

Các chính phủ ở Pháp, Đức… có chính sách tăng thời gian làm viêc (cho đến 62 tuổi ở Pháp, có thể đến 67 tuổi như có dự định ở Đức). Trong hiện trạng tìm việc làm, có nhiều khả năng là tiền lương hưu trí trong tương lai có thể bị giảm (những năm tháng bị mất việc sẽ ảnh hưởng sau này khi làm hồ sơ về hưu). Hiện nay lương hưu trung bình ở Pháp khoảng 1000€/tháng, nếu bà vợ không có đi làm thì chỉ lãnh khoảng 50% sau ngày chồng mất. Cũng may là ngày nay nhờ tin học có nhiều khả năng mới để phát triển các doanh nghiệp ‘tư’ (auto- entreprise), các người hưu trí nếu còn sức khỏe có thể bồi đắp một phần lương hàng tháng.

Vấn đề nhà rất quan trọng đối vói người già. Dù mình là chủ nhà, cũng phải lo nghĩ tiêu hàng tháng các phí tổn của chung cư (charges), có thể lên đến 100-200€ mỗi tháng, và đóng thuế taxe foncière (nếu là chủ nhà) và taxe habitation (chủ nhà hay thuê nhà) hàng năm. Trong xã hội Pháp hay Âu Châu điều kiện người già sống chung với con cháu rất khó, vì lắm khi các con phải làm việc nơi xa. Hiện nay có khuynh hướng nhiều người già sống chung một căn hộ (co-location), hay cho thuê phòng cho người trẻ (sinh viên, hay đi làm) để giảm các chi phí, và không bị cô đơn.  Nhờ tin học, người già cũng may mắn giữ được liên lạc thường xuyên hơn với con cháu ở xa.

Ngoài ra cũng có khuynh hướng là có những dịch vụ chuyên môn tại nhà (mang đồ ăn, giúp vệ sinh trong nhà), nhưng cũng tốn tiền. Trong cộng đồng chúng ta cũng nên có phương tiện thông tin liên lạc với những doanh nghiệp hay doanh nhân này, để giúp những người già yếu được sống an lành trong căn nhà quen thuộc, không phải ‘di cư’ vào những trung tâm người già. Giá thuê nhà ở các tỉnh thành ở Âu châu cũng như trên khắp thế giới càng ngày càng gia tăng, các người già hay các gia đình nghèo thường phải sống ở những khu xã hội (được Nhà Nước giúp trên mặt tài chính), xa lánh trung tâm và gặp nhiều vấn đề an ninh (sau nhiều năm nghiên cứu, tôi có thay đổi lập trường và ủng hộ ‘cho phép trồng và buôn chất cannabis’, hiện nay qua internet có thể mua bán hơn 500 chất thuốc phiện hóa học ! ).

Vấn đề chữa bệnh là nhu cầu lớn của người già – hưu trí. Ở Pháp có quỹ xã hội Nhà Nước, nhưng gần như mọi người phải đóng thêm tiền cho quỹ tư (assurance maladie complémentaire) , tiền  đóng rất khác nhau ( có thể lên đến 100€ một tháng ) tùy những nhu cầu cá nhân  Hiện nay có một số bệnh được hưởng quỹ Nhà Nước hoàn 100% chi phí, như bệnh ung thư, tim mạch , thần kinh nặng.. với điều kiện phải được chữa trong các bệnh viện Nhà Nước , ngay những chi phí về mắt kém, hay khó nghe cũng không được hoàn 100% . Hiện nay có nhiều người hưu trí với lương hàng tháng không có khả năng đóng thêm cho quỹ chữa bệnh tư.

Trong tương lai ở Pháp quỹ Nhà Nước còn gặp nhiều khó khăn, và chính phủ sẽ giảm thêm phần giúp đỡ các bệnh nhân (ngay đối với các bệnh được hưởng chế độ 100% ), và các quỹ tư cũng sẽ tăng tiền đóng góp cá nhân . Với những khả năng phát triển của ngành Y, con số người già sẽ gia tăng và sẽ sống lâu dài hơn (hiện nay số người sống hơn 80-85 tuổi phát triển ) . Trong ngành ung thư chẳng hạn, nếu được chuẩn bệnh sớm, bệnh nhân có thể khỏi hẳn, nhưng cần phải tiếp tục theo dõi , vì chúng ta biết có thể bị bệnh tái phát hay một bệnh ung thư khác về sau ,  vì càng về già cơ thể càng khó đối phó với những ngẫu biến ung thư ( mutation cancerigène ) . Chúng ta ngày nay biết rõ một số nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư, như hạt nhân , một số chất hóa học ( được dùng trong nông nghiệp ! ), diesel … Ngay cả kỹ thuật nanotechnologie cũng cần phải theo dõi cẩn thận  vì các tế bào máu rất ham mộ các chất này và di chuyển trong có thể ) !

Như viết ở trên, với tin học ,người già có nhiều khả năng tiếp tục sống an lành trong căn nhà nơi mình sống từ lâu . Tránh không cần vào nhà dưỡng lão. Tiền hàng tháng trung bình ở nơi này khoảng 2000€ một tháng, chưa kể tiền thuốc hay bác sĩ (người già thưởng được hưởng chế độ hoàn chi phí 100% vì thường mang nhiều bệnh dài hạn như tim mạch, não, đường , ung thư …) ; Nếu lương hưu trí không đủ chi phí nhà lão thì các con cháu gia đình phải bù đắp , nếu không phải bán các gia sản , và nếu cần thiết thì quỹ xã hội sẽ giúp . Trong quá khứ tôi có dịp vào khám bệnh nhân ở nhà lão Nhà Nước ở Ste Foy les Lyon, một trung tâm trên mức trung bình , nhưng tôi  thấy tập chung người già không lý tưởng lắm .

Những bệnh nhân nặng hơn, hoàn toàn mất tự chủ (bệnh não như Alzeimer, hay tê liệt) thì phải vào những trung tâm ‘chuyên y’ (EPAD, établissement pour personnes agées dépendantes), có bác sĩ y tá thường xuyên, giá trung bình 5000€ một tháng.

Năm 2015 tôi được xem trên TV pháp Arte một phim tài liệu của Đức về chương trình đưa những người già Đức bị mất tự chủ, trước kia được đưa sang Ba Lan -Tiệp.., nay đưa sang sinh sống trong những ‘EPAD’ ở Thái Lan. Chương trình mới này được chính phủ Đức và các doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân Đức thực hiên. Trong phim họ cho biết là chi phí ở đây rẻ hơn bên Âu Châu nhiều. Với tin học, gia đình có thể liên lạc thường xuyên với bệnh nhân ở Thái Lan, với các bác sĩ y tá trông nom bệnh nhân mình. Họ cho biết ở Thái Lan người già tuy bị mất trí hay hoàn toàn liệt được chăm nom với nhiều tình cảm ( văn hóa Á châu , Phật giáo? ), có lẽ chỉ vì có nhiều người chăm sóc hơn là ở các EPAD Âu châu . Các gia đình Đức cũng thích hàng năm có nhiều dịp thăm bệnh nhân mình và nghỉ du lịch thú vị ở Thái Lan.

Chương trình này thực hiện ở Thái Lan cũng có thể thực hiện ở Việt Nam. Không dành riêng cho Việt kiều chúng ta, có nhiều gia đình bạn bè Pháp cũng muốn về sống những năm tháng cuối cùng ở Việt Nam. Chính phủ Pháp và Việt Nam có thể ký kết đặc biệt để những bệnh nhân này không phải mỗi sáu tháng phải bay vê Pháp trình diện để tiếp tục được hưởng bảo hiểm y tế chữa bệnh … Tôi tin chắc là nước Pháp cũng có lợi : bớt chi phí cho người già (cơ sở y tế – bệnh viện ở Việt Nam cần làm việc theo tiêu chuẩn và pháp lý quốc tế) đặc biệt đối với những người bệnh mất tự chủ.

Ngoài ra các Việt kiều hay Pháp kiều sẽ tiếp tục tiêu thụ những ‘văn hóa ‘ Pháp (món ăn đặc biệt, fromage, rượu, foie gras, sách báo phim ảnh…) . Nếu ở lâu ở Việt Nam (quá sáu tháng), những người có quốc tịch Pháp hay Việt lãnh lương hưu trí của Pháp vẫn tiếp tục đóng thuế lợi tức cho Nhà Nước Pháp. Nếu muốn mua nhà ỏ Việt Nam thì cũng phải theo luật Việt Nam, và tôi cũng được biết là ở Thái Lan quyền sở hứu nhà của ngoại kiều là 50 năm. 

Trong thế kỷ 21, với những bước tiến của ngành Y, số người già sẽ tăng, và sống lâu hơn. Phần đông sẽ cố gắng được sống an vui nơi quen thuộc, nếu được gần gia đình bạn bè. Trong thế giới ‘toàn cầu hóa’, có khả năng nhiều người muốn sống những năm tháng cuối cùng ở Việt Nam , nơi mà họ có nhiều kỷ niệm, hay thích sống một nơi có nhiều ánh nắng mặt trời và tình thương tôn trọng người già.

.

 BS VŨ Văn Huân  (Lyon , Pháp )

 Chủ tịch Chi hội Rhone- Lyon HNVNTP

 Lyon, 09-2016