Aller au contenu. | Aller à la navigation

Outils personnels

This is SunRain Plone Theme

Navigation

Vous êtes ici : Accueil / Articles / Tản văn / Quê tôi

Quê tôi

Tản văn - Nguyễn Công Tiến - Hale (Allemagne)

    Từ Hà Nội xuôi theo quốc lộ 1A về hướng Nam, chừng 20 Km là tới ga Chợ-Tía, rẽ vào đường 73 đúng Km thứ 9 là tới quê tôi.

"khu cháy quê tôi nước bạc đồng chiêm
Có dòng sông Nhuệ chảy quanh xóm làng..."

Câu hát ấy cứ ngân nga mãi trong tâm chí tôi suốt từ những ngày còn cắp sách đến trường. Sau này khi đã đủ khôn lớn để hoà mình vào đời, đi đây đó xa quê, tôi lại bồi hồi, mỗi khi nghe trên đài tiếng nói Việt Nam vang vang giọng ca của Kiều Hưng- người con nổi tiếng của Phú Xuyên quê tôi:

"Hà Tây cửa ngõ Thủ đô, áo giáp chở che ngàn năm lịch sử".

Không ngờ 40 năm sau, tôi được gặp ông ở Leipzig, trong một lần họp mặt những người con tha hương “Quê lụa”. Ông bảo: “Nhớ quê ra riết”. Khi này, Kiều Hưng đã ngoài 70 tuổi.

     Năm ấy mẹ tôi ốm, nằm điều trị bệnh tại Hà Nội. Lúc này anh chị em tôi đi thoát ly cả. Ban địa chính xã có kế hoạch vẽ lại bản đồ, họ đến từng nhà làm hồ sơ để kê khai lại. Vì phải chăm mẹ tôi ốm, nên bố tôi không về được. Gia đình người bác họ đã khai man và chiếm của nhà tôi tới gần nửa mảnh đất, mà cha ông đã để lại từ đời trước. Đóng quân xa nhà, lâu lâu tôi mới về thăm bố mẹ một lần, mỗi lần trò chuyện, bố tôi lại bảo: “Nhớ làng lắm, tháng không về được một lần là nhớ nôn nao. Về đến nơi, nhìn mảnh đất bị chiếm đoạt, lại chán cái tình anh em chú cháu. Nhưng vẫn nhớ làng”. Giận người, chứ không ai giận đất giận làng. Nhưng nhớ làng, là nhớ cả người cả cảnh. Nếu tính tròn hai vụ lúa một năm, thì tôi chính thức sống ở quê và làm ruộng có 3 năm. Nhưng xa quê đã 40 năm có lẻ, vậy mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in đám rêu bám trên chiếc cọc cầu ao; đám rễ đa nổi vồng lên, nơi các bác thợ vẫn hay buộc trâu sau buổi cày vất vả; rồi nhớ cả cảnh bà cụ Thô hàng xóm, bắc thang đứng trên đống rơm chửi mất gà… Vậy mà một cái làng ngoại ô đẹp như tranh vẽ, có đàn ngựa phiêu trên đồng cỏ xanh rờn, có cánh rừng sồi, rừng phong thơ mộng ở Đức, đâu đọng được trong tôi một nỗi nhớ nào. Chẳng ít gì, những 5 năm trời tôi đã sống ở nơi đó. Phải chăng, đấy không phải người làng mình? Không phải đất quê mình?

     Trong chúng ta, ai cũng có quê hương và ai cũng có quyền tự hào về làng quê của mình. Từ ngàn đời nay, mỗi khi nghĩ về làng về xóm, thì đó bao giờ cũng là nơi sưởi ấm tấm lòng những người con, được sinh ra từ làng và lớn lên từ hạt lúa, củ khoai của làng. Dù rằng, không phải bất cứ ai khi bước chân ra đi, cũng đều có những kỷ niệm êm đềm về nó.

     Vốn là đồng chiêm trũng, ngày xưa lúa chỉ cấy được một vụ nên người dân quê tôi sống rất cực nhọc. "Giáp hạt" là một khái niệm gây nỗi kinh hoàng cho mỗi gia đình dân cày ngày ấy. Trong khi chờ bông lúa ngoài đồng chín hạt, họ phải ăn ngô, ăn khoai trừ bữa. “Giáp” nữa, họ phải nấu cả cháo cám, đào củ chuối để ăn. Cái thời “cận hiện đại” còn vậy, nói chi tới cái thời xưa cũ - có lẽ cái đói, cái khổ còn gấp trăm gấp nghìn. Trước năm 1945, gia đình ông bà nội, ngoại tôi đã phải bỏ làng lên tận Phú Thọ để kiếm sống, một phần vì bị cánh địa chủ ác bá o ép, phần khác cũng vì nghèo đói quá mà đi. Ngẫm lại mình, hóa ra bây giờ tôi còn bỏ làng đi xa hơn các cụ nhiều…Quê tôi sau ngày hoà bình lập lại, vào Hợp tác xã cấy được hai vụ, đời sống mới ấm dần lên một chút. Tôi nói “một chút” vì khi tôi đến tuổi biết chăn trâu cắt cỏ, cả làng vẫn đói, vẫn phải ăn sắn khoai và ăn gạo vàng - đây là loại gạo được xay ra từ lúa bã đã ủ suốt một năm. Nó rất nở, nhưng ăn vừa hôi, vừa bở như vôi bột. Bọn trẻ chúng tôi, buộc phải còi cọc lớn lên trên mảnh đất “nước mặn đồng chua” đầy gian nan khốn khó này.

     Không có nghề phụ, dân quê tôi chỉ biết trông vào ba sào ruộng ngập trắng một thứ nước pha phèn đỏ quạch. Những cánh đồng Diệc, đồng Soi ... thẳng cánh cò bay, ấy vậy mà từ vụ này sang vụ khác cũng chỉ được chăm bẵm nhờ hai bàn tay gầy guộc của người nông dân. Đâu được “sung sướng” như bây giờ, ngày xưa ấy họ chẳng có máy móc, xe cộ gì hỗ trợ. Nhưng người nông dân đổ ra bao nhiêu mồ hôi cho đồng ruộng, thì họ cũng sẽ nhận lại được từng ấy những vật phẩm mà thiên nhiên dâng tặng. Ngày ấy, đồng đất quê tôi trồng toàn các giống lúa: Mộc tuyền, Chân trâu lùn, Tám trăm mười ba…Đang đói, vào vụ gặt bưng được bát cơm gạo mới trắng ngần, thơm phức lên ăn, nhiều người rơi nước mắt. Ao làng, chuôm đồng thì được Hợp tác xã thả cá trắng không ai được xâm phạm. Còn các loại cá xanh hay tôm, cua, ốc, ếch ... thì được cho là nguồn thức ăn tự nhiên vô tận của mọi gia đình. Đã bước chân ra ngoài đồng thì ngang lưng ai cũng có một cái giỏ hoặc một cái thạ. Khi trở về, trên tay người nào cũng có nếu không là xâu cá thì cũng là một giỏ cua, giỏ tép. Dân quê tôi đánh bắt tôm cá bằng đủ kiểu: giăng lưới, vó bè, đánh rọ, đặt lờ, cắm hóc, úp nơm, tát ròn, đắp rạy (có nơi gọi là nhạy) ... Như thành một cái lệ, lũ trẻ chúng tôi luôn háo hức đợi chờ cái nắng tháng năm, tháng sáu cháy da cháy thịt. Cái ngày mà “nước như ai nấu, chết cả cá cờ” ấy, gần như cả làng đổ ra đồng để bắt cá chết nắng. Đòng đong - cân cấn, mài mại, tôm riu, cua dạt tất vào bờ, chẳng ai thèm hớt, họ chọn bắt cá. Riêng chép và diếc to chịu nóng được lâu hơn, nhưng đến nửa đêm cũng phải nổi. Sáng ra vớt được thì đã ươn, mang về ướp muối làm mắm.

     Thỉnh thoảng mỗi khi tan trường về, để trốn nấu cơm, tôi thường vác cần đi câu trộm ở ao Hợp tác xã. Chỉ cần ném một ít thính rang xuống, là ba phút sau có thể kéo lên chục chú mài mại bé bằng hai ngón tay tanh ngòm. Nhưng, nếu biết kho chúng với ngọn cúc tần hái ở bờ rào, thì giá trị cũng ngang tầm “đặc sản”. Thực đơn trong bữa cơm của dân quê tôi hồi ấy, thường là có đĩa cá kho. Nếu vào đúng vụ mạ chiêm, thì còn có cả đĩa châu chấu rang ngậy bát, cà pháo, rau muống luộc (nếu là rau hái dưới ao sau cơn mưa rào đêm trước thì càng tuyệt vời) và cuối cùng là món "truyền kiếp" của ngừơi nông dân đó là: Tương. Hình ảnh một chum tương đội chiếc nón mê rách, đứng lặng lẽ trong mưa nắng nơi góc sân, luôn là nét chấm phá đặc sắc cho căn nhà nông dân vùng Bắc bộ quê tôi hồi ấy. Bữa cơm có rau muống luộc chấm với nước tương mới, ăn xong lâu rồi vẫn cảm được cái vị ngọt lịm ở nơi cuống họng. Có ai đâu ngờ, bữa cơm  quê đạm bạc ngày ấy, giờ đã trở thành điều mong ước của gia đình tôi, sống trên đất Đức ngày hôm nay.

     Vào mùa thu hoạch, đồng đất lại trả những bông lúa óng vàng và bát cơm trắng ngần cho người nông dân một nắng hai sương khó nhọc. Nhưng để đón được hạt thóc về nhà, vào vụ chiêm hay vụ mùa, người nông dân vẫn cứ phải chịu cảnh “Trời đày” vất vả - khi thì hầm hập dưới nắng hè oi ả; khi thì thấu da thấu thịt trong bùn nước mùa đông. Vào chiêm, mẹ tôi và nhóm thợ gặt phải ra đồng từ lúc bốn năm giờ sáng và tới mười hai giờ trưa là phải cõng được lúa về. Từng thân lúa vàng đổ nghiêng trên mặt nước, được những người thợ gặt cắt xén gọn gàng và bó thành từng lượm. Ruộng sâu, bùn thụt tới tận đầu gối, không thể gánh được, họ phải cho lúa lên thuyền nan rồi kéo vào bờ. Trời không một ngọn gió, những tia nắng hè khét lửa rọi xuống, hơi nóng dưới nước bốc lên hầm hập, làm cho không khí oi bức, ngạt ngào rất khó chịu. Đỉa thì nhiều vô kể, đã ra ngoài đồng, mọi người đều phải đeo ngang lưng ống tre đựng bồ hóng trộn vôi để quẹt đỉa… Qua năm tháng nắng mưa dãi dầu, lưng áo của ai cũng đọng trắng muối mồ hôi. Hôm nào mẹ gặt lúa đồng gần, khi đi chăn trâu, tôi vẫn mang cho mẹ một siêu nước vối. Mẹ mừng lắm, khen tôi và dặn: Trời nắng to không được bỏ mũ ra kẻo về bị ốm. Trước khi quay lưng, tôi còn kịp nhìn thấy những giọt mồ hôi trên trán mẹ rơi thánh thót...Qua khỏi cơn giáp hạt, giờ có cơm gạo mới no nê, bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng "trơn lông đỏ da" mặt mày hớn hở. Bố mẹ may cho tôi một chiếc quần xanh sĩ lâm và một chiếc áo sơ mi bằng vải phin trắng Nam Định. Tôi tưởng không còn sung sướng gì hơn.

     Chuyện mà tôi đang hồi tưởng cùng các bạn - đó là vào "những năm bom Mỹ trút trên mái nhà". Ngày ấy mỗi khi đi học, chúng tôi phải đội mũ rơm và khoác trên mình một mảnh nguỵ trang bằng vải xô, đã được nhuộm xanh bằng lá mướp. Chúng tôi phải tự đào giao thông hào để nối lớp học với hầm kèo chữ A. Mỗi khi thấy máy bay Mỹ gầm rú điên cuồng, thì các thầy cô lại cho học sinh sơ tán ra hầm ngồi. Cửa hầm được đậy kín bằng một lá chắn cũng bện bằng rơm. Đã có hai qủa rốc-két của địch phóng xuống sát một lớp học trên thôn Thượng và một máy bay Mỹ đã bị các chú bộ đội bắn rơi trên cánh đồng Bầu.

     Xóm của tôi tên là xóm Cầu. Hướng Tây của xóm có một cái giếng đất, cả xóm dùng nước ở cái giếng này. Bậc lên xuống xây bằng gạch, hẹp chỉ vừa đúng một bàn chân. Các cụ trong làng vẫn gọi nó là "Tây tỉnh". Giếng nằm gần đình làng và ở đó có một cây đa xum xuê cành lá. Đã từ bao đời rồi không biết, cây đa xóm tôi là mái nhà chung cho mọi người nghỉ chân trong những trưa hè oi bức. Còn cây bàng thấp nơi bờ giếng là vị trí thuận tiện nhất cho bọn trẻ chúng tôi theo dõi những trận đánh của bộ đội ta với máy bay Mỹ, mỗi khi chúng liều lĩnh bay vào vùng trời Thủ đô. Thường là vào lúc thợ gặt húp xong bát cháo hoa buổi trưa là chúng đến. Như một đàn nhặng, chúng có rất nhiều chủng loại, bay vào từng tốp, nhiều tầng, nhiều hướng. Đôi khi tiếng rít xé tai của những chiếc siêu âm bay thấp, làm gà chó trong xóm tôi chạy, nhẩy tán loạn. Bay qua xóm tôi một lúc là chúng bắt đầu vấp phải lưới lửa của lực lượng phòng không Hà Nội.

     Từ trên cây bàng bên bờ giếng đất, chúng tôi quan sát được toàn cảnh trận đánh theo mặt phẳng. Lửa khói ngút trời. Tiếng bom rền lẫn trong tiếng đạn pháo cao xạ nổ ròn rã. Từng chùm đạn nổ trên không, tạo ra những cụm khói dày đặc đan vào nhau, đều như giăng lưới. Tên lửa SAM bay lên dũng mãnh, chúng như những con rồng xuyên táo giữa đội hình máy bay địch. Thật không hổ danh với cái tên “Thăng Long” tự ngàn xưa để lại. Có những "Con ma" (F.4) trúng đạn nổ tan xác ngay trên không, thân hình nát vụn rơi lả tả. Có những "Thần sấm" (F.105) kéo theo đuôi khói đen kịt, loạng choạng cố lết ra hướng biển, nhưng chỉ được một đoạn là đâm đầu xuống đất. Cứ mỗi lần như vậy bọn trẻ chúng tôi lại reo hò rung cả cành bàng. Người lớn quát thế nào cũng không xuống...Sau này đi bộ đội, chịu một trận bom của Mĩ ở nhà thờ Phát Diệm, tôi mới thấy được tính chất khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh. Lúc ấy bọn trẻ chúng tôi chẳng biết sợ là gì, chỉ thích ra giếng đầu làng để ngồi xem “chiến tranh” một cách vô tư mê mải.

     Thời gian, giống như một cỗ xe khổng lồ trở đầy báu vật, nó lặng lẽ và miệt mài lăn bánh tới chia phần cho từng gia đình. Đó là tới tháng năm lũ trẻ chúng tôi đủ lớn khôn. Phần quà đầu tiên trước khi bước vào đời mà tôi nhận được, đó là một tờ giấy báo nhập ngũ… Bố tôi ngồi lặng im cả buổi. Điếu thuốc lào trên tay, nhưng cháy hết cái đóm này đến cái đóm khác, ông lại dụi đi không hút. Mẹ và chị tôi thì khóc cho tới khi xe chở chúng tôi khuất hẳn sau dặng cây xà cừ ven con đường 73 lở loét - con đường đầy những ổ trâu, ổ gà thường ngày vẫn dẫn bọn trẻ chúng tôi tới trường đi học. Tân binh cả huyện tập chung ở Cổ Châu, sau đó từng đơn vị bộ đội đến dẫn quân đi. Tôi được trung úy Chiến, chính trị viên phó tiểu đoàn - người Nguyễn Trãi (Thường Tín) - đặc cách cho vào làm lính thuộc tiểu đoàn 31 trực thuộc Quân khu Hữu Ngạn. Thày Sơn chủ nhiệm lớp 10b của tôi, kịp dẫn mấy bạn trong lớp tới đưa tiễn. Chúng tôi ra đi, từ xa nhìn lại, những chiếc khăn mùi soa màu trắng của các bạn nữ cứ vẫy mãi, hệt như một đàn chim hoà bình, đang giang cánh tung mình vào trời không bao la…
Hôm ấy nhằm ngày 25.12.1971.

     Những tháng năm chiến tranh ác liệt ấy, xóm Cầu nhỏ bé của tôi chỉ với 19 nóc dạ, đã có năm thanh niên "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", trong đó ba người đã nằm lại ở chiến trường. Họ đã ngã xuống như những người anh hùng và mãi mãi hiến dâng mùa xuân thứ 18 - mùa xuân đẹp nhất của cuộc đời mình - cho Tổ Quốc, cho Quê hương.

     Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ đó, hôm nay trở về, nhiều cảnh nhiều người quê tôi đã "vật đổi sao dời" theo nhịp sống mới của cả nước. Những chuyện thần kì mà thế hệ chúng tôi đã lập nên năm xưa, hôm nay có lẽ trở nên xa lạ với lớp trẻ. Nhưng cây đa, bến nước, sân đình vẫn còn đó; lối mòn vào nhà xưa vẫn còn đây và dòng Nhuệ giang nép dưới bóng tre làng, vẫn lặng lẽ trôi xuôi. Sông vẫn như ngày ấy, vẫn như còn giữ lại cho tôi một bóng hình xưa, đứng soi mình trên sóng nước và trước giờ chia tay, em đã gửi một lời hẹn ước: Mãi mãi ngàn năm chung thủy đợi chờ.

Halle/S. 2010, lập hạ Canh Dần


Tác giả sinh năm 1952, quê ở Phú Xuyên (Hà Đông cũ), là bộ đội thời chống Mĩ, tốt nghiệp khoa triết ĐH tổng hợp Hà Nội, giáo viên trường sĩ quan quân đội, công nhân hợp tác lao động tại CHDC Đức, hiện gia đình định cư tại Đức.