Từ ‘Cộng đồng Pháp ngữ’…đến tình yêu Pháp ngữ.
Khi có người đến gặp tôi hỏi tôi có phải là người Việt Nam và tôi còn sử dụng tiếng Việt không, dù diện mạo thuần Việt, nhưng sự thực tôi có chút chần chừ suy nghĩ khi trả lời. Và cuối cùng thì tôi cũng trả lời rằng có, mặc dù đã từ lâu dường như « ngôn ngữ của Molière » đã cuốn hút một cách khó giải thích và chiếm lấy nhiều sự yêu thích trong tôi.
Để tôi kể cho các bạn câu chuyện phức tạp về một đứa bé mới ra đời trong cơn bão táp của một đất nưóc dính vào một cuộc chiến tranh kỳ cục. Các trận đánh hủy hoại khốc liệt diễn ra trong thành phố, bố mẹ tôi gởi tôi về quê sống cùng ông bà với không khí tự do trên những cánh đồng trải dài theo gam màu xanh. Ở đó không có trường học vì các nguồn sinh lực đầu quân hoặc với lực lượng kháng chiến hoặc với bộ phận chiếm đóng và tương lai của những đứa trẻ cũng mờ mịt như tương lai của toàn đất nước…
Ông nội tôi, một thiếu sinh quân được gởi sang Pháp dạy dỗ và đào tạo thành một giáo viên ở tỉnh Tours, bị nỗi nhớ nhà xâm chiếm và cuối cùng trở về miền Bắc, nơi chôn nhau cắt rốn, làm thầy giáo tiếng Pháp tại Hà Nội và cưới một công chúa.
Đến tuổi về hưu, ông ấy có được vị trí quan trọng trong làng, nhờ vào hào quang quí tộc qua cuộc hôn nhân. Nhưng tôi cho cái danh dự đó không quan trọng và chỉ nâng cao giá trị khi ông ta ở trong vị trí giữa lực lượng Pháp, trú đóng tại một trại lính trên cái đê quanh làng, và những người trẻ đầu quân vào Việt Minh mà một số được ông ấy cứu mạng. Tôi cảm thấy ông ấy sống với trách nhiệm của mình một cách nguy hiểm, và mỗi lần ông đại úy ngưòi Pháp đến thăm với một đoàn tùy tùng trang bị vũ khí từ đầu đến chân, một không khí lạnh lẽo bao trùm trong phòng khách trong lúc ông nội tôi và những viên sĩ quan trao đổi bằng tiếng Pháp dưới tấm ảnh ‘Ông tôi trong màu áo lính đệ nhất thế chiến 1914’. Những thanh âm của ngôn ngữ này đã chinh phục tôi chính vào thời điểm đó, tôi không rõ vì sao. Sau đó, tôi đã yêu cầu ông nội dạy tôi tiếng Pháp.
Ồ, không có gì to tát lắm đâu, nhưng trong tiềm thức của tôi vẫn còn chuyện ‘con sư tử ăn thịt sống’ hay là ‘con gà trống là vua trong sân nhà’ mà sau đó được củng cố trong chương trình của trường Rolland, thuộc chi nhánh trường trung học nổi tiếng Albert Sarraut của thành phố Hà Nội.
Những bước đầu tiên với ngôn ngữ này thật là khó khăn và tôi đã không hiểu lắm những bài học lịch sử tôn vinh ‘tiền nhân của chúng ta là người gô-loa’. Tuy nhiên, tôi bị lôi cuốn dần dần trong khi học những áng thơ đẹp. Tôi còn nhớ cuốn vở học thuộc lòng mà tôi đã trang điểm với con tim của mình và sau đó nó được trưng bày trong dịp phát phần thưởng cuối năm. Sự đam mê tiếng Pháp của tôi cũng đến từ đó và không bao giờ phủ nhận được trong suốt thời gian đi học tại trường trung học Chasseloup Laubat sau đó trường JeanJacques Rousseau tại Sài Gòn nơi mà nữ văn sĩ nổi tiếng Marguerite Duras cũng theo học.
À tôi quên kể cho các bạn biết là sau thất bại tại Điện Biên Phủ vào năm 1954, gia đình tôi rời miền Bắc để ‘tị nạn’ trong miền Nam, vì không thể đi Pháp nơi mà bố mẹ tôi không quen ai cả. Chuyến đi Sài Gòn được xem như cuộc trốn chạy đến một nơi vô định và thời gian đầu trong trại tị nạn của quân đội Pháp rất là vất vả. Nhờ vào vốn kiến thức tốt về ngôn ngữ tôi có, mà những đầu bếp gốc Phi, theo tôi đó là người Sénégal, đã kín đáo cho chúng tôi thêm thức ăn và những thanh Ovomaltine !
Chính tại trường trung học mà văn hóa Pháp thật sự bắt đầu hòa trộn với nền giáo dục truyền thống khổng giáo đã tạo cho tôi thành một thiếu niên ngoại lệ mà ngay cả tiếng Anh cũng lôi cuốn tôi. Sự ham thích văn chương được khắc sâu vào trí não của tôi nhờ một giáo sư trường sư phạm Paris, người đã làm chúng tôi choáng ngợp qua kiến thức tổng hợp của thầy như thể lấy đồ trong túi ra một cách dễ dàng đến gần như kiêu kỳ. Điều đó đã khích lệ một chú gà nhỏ trong lớp 11 rất nhiều đến nỗi tôi tự hứa sẽ làm như ông ta sau này.
Khi đến Pháp, việc đầu tiên mà tôi muốn thực hiện là đi dự vài buổi học tại Sorbonne để thỏa mãn ước muốn tìm hiểu của mình về cái lắt léo của thứ ngôn ngữ tuyệt đẹp này. Than ôi, trong một văn phòng tối sẫm của trung học Louis le Grand, ông hiệu trưởng khuyên bố tôi gởi tôi về tỉnh lẻ học luyện thi : Hết ảo tưởng !
Tuy nhiên cái ông này có lý vì những chuyện kế tiếp chứng minh cái kiến thức về văn chương của tôi nghèo nàn. Thây kệ cho cái lớp luyện thi vào trường Sư phạm. Trong năm đó, tôi tham dự lớp dự bị Khoa văn chương và khoa học nhân văn tại Lyon, nuốt ngấu nghiến hàng vài trăm cuốn sách và không phải là hiếm khi trên bàn học của tôi có khoảng chừng ba hoặc bốn quyển sách mở cùng một lúc : Tôi khao khát hiểu biết và nhận thấy thiếu đủ thứ đến nỗi tôi muốn nuốt chửng những tiểu thuyết của thế kỷ thứ 19 với những áng văn triết lý của thời đại ánh sáng không cần phân biệt. Kết quả rồi cũng thuyết phục : Đậu cú đầu năm dự bị, sau đó một học vị cử nhân…tiếng Anh ! Tại sao thế?
Thêm một lần nữa, tôi không biết giải thích cho các bạn rõ ràng, nếu không chỉ là ước muốn sống cái thời kỳ tuyệt diệu của Beatles và Stones trong bối cảnh đó. Nhưng tôi không quên niềm tin của tôi về ngôn ngữ Pháp và tôi, với cương vị trợ giảng tiếng Pháp trong môt niên học, đã từng cố gắng chia sẻ những kiến thức của tôi đến các học sinh lớp 11 và lớp 12 trong trường ‘Grammar School’ tại Birmingham. Tôi còn giúp cho một đồng nghiệp trẻ đang chuẩn bị luận án về Emile Zola…
Nghề dạy học đeo dính vào đời tôi và tôi đã cống hiến trong vòng 38 năm không mất niềm tin. Tôi yêu nghề của tôi, tôi yêu học trò của tôi và tôi cố gắng truyền tải số kiến thức ít ỏi của tôi đạt được với niềm hăng say. Tôi nghĩ đến ông giáo trường Sư phạm với nhiệt huyết mỗi lần tôi giảng về Jean-Jacques Rousseau hay Gérard de Nerval và nhái cái ‘giọng Anh’ mỹ miều để hướng dẫn các học trò trong chuyến đi Luân Đôn hàng năm. Cũng cần nói là tôi cũng nhận được sự quý mến của học sinh vì tôi tin rằng khi các bạn càng cho đi hết lòng thì các bạn càng nhận lại được nhiều.
Sau một quãng đời phục vụ cho bộ Giáo dục, cộng đồng Pháp ngữ không bỏ tôi đi vì, là người trách nhiệm một hội đoàn sinh hoạt văn hóa và nhân đạo giúp đỡ trẻ em nghèo trong những trường dạy tiếng Pháp ở Việt Nam, tôi vẫn hy vọng tiếng Pháp sẽ tìm lại được vị trí của mình trên quê hương tôi. Mỗi lần có dịp trở về nguồn, tôi rất ngạc nhiên hạnh phúc khi gặp gỡ một cách ngẫu nhiên trong một công viên hay quanh bờ hồ một vài ‘ông lão ngồi vuốt râu bạc phơ’ còn ngâm thơ của Lamartine hay của Hugo với chất giọng đặc trưng của người dân quê tôi. Trong cái nhìn của họ, tôi thấy ánh lên niềm tự hào làm con tim tôi tràn đầy hạnh phúc. Hãy đến và cùng đi với tôi, tôi hy vọng sẽ giới thiệu họ với các bạn một ngày nào đó…
Nguyễn Bá Nghị trong vai vua trên sân khấu Tết cộng đồng tại Trung tâm Văn hóa và Đời sống-thành phố Villeurbanne
Đến ngưỡng hoàng hôn của cuộc đời, tôi giữ được sự đam mê với ngôn ngữ tiếng Pháp và tôi không bao giờ cảm ơn đủ được những người thầy đã khơi lên niềm đam mê đó trong tôi. Tiền nhân của tôi chắc chắn không phải là người xứ gô-loa nhưng nước Pháp đã cho tôi nhiều đến mức mà tôi sẵn sàng chấp nhận chia sẻ cội rễ của mình giữa Phạm Duy và Verlaine : Những thi hào này đã cho tôi tiếp thu một nền văn hoá kép, làm giàu có cuộc đời tôi.
Jean-Pierre NGUYEN BA- Một người Việt Nam mang trong mình cả tâm hồn Pháp