Đọc gì ngày mai?
Thật ra đây là một câu hỏi mà tôi thường suy nghĩ vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, câu hỏi hợp lý hơn sẽ phải là “Ngày mai có gì để đọc”.
Tất nhiên nếu nói về đọc thì sẽ có muôn ngàn thứ để đọc, có báo chí, có tiểu thuyết, truyện tranh… Thế nên, để tóm gọn lại nội dung bài viết thì tôi sẽ nói về chuyện đọc báo, đọc tin tức hằng ngày. Vậy là cũng đủ nhiều rồi.
Đề tài thì có vẻ hơi nhảm nhí, nhưng tôi nghĩ cái gì cũng có cái hay, cái thú vị của riêng nó. Đặc biệt là từ hơn hai năm nay, tôi bắt mình phải đọc tin tức báo chí tiếng Việt nhiều hơn. Trước là để còn theo dõi, nắm bắt được tình hình quê nhà. Hai là còn có chuyện để nói với bạn bè đồng nghiệp. Nguyên nhân cũng chỉ đơn giản là thế.
Khổ nỗi, vì xa nhà nên tôi chỉ đọc được báo mạng. Cái duyên trời ơi đất hỡi này cho tôi nhiều cái so sánh đến là oái oăm. Vì là, sao là nhà báo, nhà viết văn, mà có thể viết sai chính tả nhiều thế. Đấy là họ còn viết tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ… Thế mà còn sai, mà lại là sai hằng ngày, hằng giờ. Tôi nhớ ngày xưa học Đại học, có lần tham gia một cuộc thi, còn có một câu hỏi như thế này “Top 5 các trang báo điện tử viết sai chính tả nhiều nhất”. Khi mà cái sai đã trở thành “top” thì đúng là không còn gì để nói. Với lượng tin tức khổng lồ hằng ngày, điều tôi trông chờ cũng chỉ là chút cẩn thận của người viết. Vì ở bên này, tôi gặp nhiều người Pháp thích học tiếng Việt. Giả sử đâu đến một ngày, họ đọc một bài báo tiếng Việt, rồi họ chỉ ra một lỗi sai về chính tả thì có ê chề không?!
Nhưng thật ra ở đây tôi cũng không muốn bàn đến vấn đề chính tả này lắm. Vì nói ngược nói xuôi âu cũng là một cái thói quen khó bỏ, khi đến bản thân người viết không phân biệt nổi “tr” và “ch”, “x” và “s”… thì cái sai này được phổ cập hoá, rồi dần dà được bỏ qua một cách vô tội vạ. Ừ thì vì thế nên bỏ qua.
Cái tôi muốn nói đến ở đây là văn hoá đọc. Nhất là văn hoá đọc của các bạn trẻ. Ở Việt Nam, giới trẻ thường thờ ơ với báo giấy vì lý do đầu tiên là phải trả tiền, hai nữa là không tiện dụng và nhanh chóng như báo mạng. Hồi đi học tiếng Pháp, tôi hay gặp phải đề bài là “Ủng hộ hay phản đối việc xoá bỏ hoàn toàn báo giấy miễn phí”. Sang Pháp tôi mới vỡ lẽ ra, là vì phần lớn báo giấy ở bên này đều miễn phí hết. Trừ các tờ báo lớn như Le Monde, Le Progrès…, còn lại tất cả các vùng ở bên này đều xuất bản ít nhất là 1 tờ báo miễn phí. Hồi mới sang Pháp, cứ mỗi lần bước vào bến tàu điện ngầm là tôi gặp ngay cảnh một bạn sinh viên trẻ trung đứng phát báo cho mọi người. Ban đầu thì tôi không dám cầm vì nghĩ là phải trả tiền (vì báo in rất xịn, có màu đàng hoàng và khổ báo to như báo Việt Nam) và không dám hỏi giá bao nhiêu (vì nếu có rẻ thì tôi cũng chả mua). Sau này mới biết báo miễn phí, nên cứ mỗi sáng ra đường là tôi lại cầm một tờ báo. Ban đầu mục đích cũng chỉ là để luyện tiếng Pháp, xem người Pháp họ viết câu cú ra làm sao… Dần dần thì cũng bắt đầu đọc kỹ hơn, quan tâm hơn đến thời sự. Sau một thời gian tôi nghiền đọc báo. Ở Pháp, rất dễ gặp cảnh hầu hết tất cả mọi người đều cầm trên tay tờ báo vào mỗi buổi sáng trên tàu điện ngầm, xe bus… Chính sách này rất hiệu quả, vì sao? Thứ nhất là đánh được ngay vào tâm lý tiêu dùng, người ta không mất tiền mà có thể cập nhật được tin tức thời sự, từ chính trị, văn hoá, thể thao, du lịch đến thời tiết… Thứ hai, đánh được vào tâm lý đi đường của người dân. Đọc báo sẽ giúp họ giết thời gian trên đường đến trường, đến công sở…
Ở Việt Nam, hình ảnh các bạn trẻ ngồi đọc báo thường rất ít gặp. Văn hoá smartphone và máy tính bảng đã ăn sâu vào văn hoá đọc của người Việt trẻ. Văn hoá đọc vốn đã bị mai một nay còn đứng trước nguy cơ bị bài trừ hẳn trong cộng đồng người Việt trẻ. Người ta thờ ơ với các tin tức thời sự, đổ xô vào đọc các tin tức mang tính chất giải trí nhiều hơn.
Cách đây không lâu tôi có đọc được một bài viết, mà theo tôi là một tiếng kêu oái oăm của một hoạ sỹ, rằng “có một bộ phận không biết Picasso là ai”. Kèm theo đó là tiếng thở dài thườn thượt, những lời bình luận đầy chia sẻ có phần gay gắt của những người quan tâm trước sự thờ ơ của giới trẻ về văn hoá thế giới. Khoan hẵng nói đến hội nhập hay vươn xa, tôi nghĩ việc trước tiên là củng cố cho giới trẻ về văn hoá nước nhà trước đã. Không hiểu về tình hình trong nước mà đã mang gươm đạn ra thế giới thì khác nào “thùng rỗng kêu to”. Chính một bộ phận tri thức đi trước, mà ở đây gọi tắt là tri thức già, đang hô hào quá mức tầm quan trọng của việc hiểu biết văn hoá thế giới mà quên đi rằng những kiến thức cốt lõi ở những người trẻ đang thiếu sót rất trầm trọng.
Hiệu ứng đám đông cũng là một vấn đề đáng quan tâm trong văn hoá đọc. Bản tính thụ động khiến việc tiếp thu của giới trẻ phần nhiều bị hạn chế. Vẫn biết đây là một thế hệ đi đầu trong việc đón nhận và tiếp thu luồng thông tin khổng lồ từ trong nước và quốc tế, nhưng việc sử dụng nguồn thông tin, cách tiếp thu có phần thụ động khiến giới trẻ Việt Nam dường như chậm chân hơn giới trẻ châu Âu. Trên các trang mạng xã hội, các bạn có thể than khóc về sự ra đi của một diễn viên, ca sỹ nhưng hiếm có các bài chia sẻ và bình luận về những sự kiện quốc tế quan trọng. Ai đó có thể tìm được một bạn trẻ quan tâm về Mùa xuân Ả Rập, về sự lên ngôi của Giáo hoàng mới… Ai quan tâm so sánh một chi tiết nhỏ nhoi, rằng cùng một sự kiện, nhưng sự lên ngôi của vị Giáo hoàng tiền nhiệm được dõi theo bởi những con mắt phàm tục đầy tín ngưỡng và sự lên ngôi của Giáo hoàng đương nghiệm thì được dõi theo bởi… smartphone. Cả một quảng trường tràn ngập smartphone, nhìn vào đó, các bạn có thấy sự khác biệt, hay các bạn chỉ thấy ngưỡng mộ trước sự lên ngôi của một vị Giáo hoàng mới? Văn hoá đọc giờ đây, bao hàm luôn cả văn hoá nghe và nhìn. Thay đổi cách tiếp cận, nhìn sự việc một cách đa chiều chính là cách giới trẻ lấy lại thế chủ động của mình trong quá trình làm chủ thông tin.
Làm chủ thông tin là một chuyện, xử lý thông tin lại là một chuyện khác. Ở Việt Nam, tôi rất hay gặp các kiểu bình luận như “các bạn trẻ phát ngôn vô tội vạ”, theo tôi thì đó là một biểu hiện của dân chủ, hay nói cách khác là tự do ngôn luận. Không nói đến các vấn đề tôn giáo hay chính trị, vì để ngôn luận được tự do trong lĩnh vực này cần rất nhiều thời gian. Nhưng các vấn đề khác, từ giáo dục, văn hoá… tôi nghĩ tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ cần phải được bày tỏ quan điểm của mình. Hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nền giáo dục mà họ lớn lên trong đó. Những ý kiến có phần tiêu cực chính là những yếu điểm mà chúng ta cần phải khắc phục… Chúng ta luôn kêu gọi xây dựng văn hoá đọc, nhưng đọc để làm gì khi sau cùng không được bày tỏ quan điểm của chính bản thân mình. Suy cho cùng, mọi thứ chúng ta làm đều phải có đích đến của nó. Văn hoá đọc, hay nghe, nhìn… đều nhằm đến xây dựng một thế hệ trẻ có văn hoá.
Viết đến đây, trong đầu tôi vẫn nghĩ, đọc gì ngày mai?!
Lê Thái
Thạc sĩ ngành Ngoại giao
Nguyên Trưởng ban Văn nghệ Hội Sinh viên VN tại lyon