Aller au contenu. | Aller à la navigation

Outils personnels

This is SunRain Plone Theme

Navigation

Vous êtes ici : Accueil / Articles / Tản văn / Câu chuyện về Bác Mưu, tác giả cuốn sách “Đứa con xa quê”

Câu chuyện về Bác Mưu, tác giả cuốn sách “Đứa con xa quê”

Những người Việt thầm lặng - Kỳ 1 (đăng trên Thông tin UGVR sồ 30 (12-13))

Chúng tôi làm một chuyến du kích nhỏ đến nhà bác, vào một buổi chiều cuối đông. Sở dĩ nói là du kích vì đến mà chưa kịp báo trước cho bác. Trên đường, chú cười bảo tôi:
“Không sao, Tonton cùng lắm thì mắng yêu vài tiếng, mà chắc là không mắng đâu!”
(Tonton là từ gọi thân mât như chú, bác.)
Khoảng một tuần sau, tôi rủ một bạn sinh viên nữa cùng đến nhà bác thăm và trò chuyện.

Từ ngày bác đặt chân qua Pháp năm 19 tuổi (1939), đến nay đã hơn 70 năm trôi qua. Bác là một trong số ít người công binh ngày xưa thành đạt và có địa vị, được đánh giá cao trong xã hội Pháp. Học nghề, làm việc, mưu sinh vất vả, nhưng bác không bao giờ quên nghĩ về quê hương. Bác tâm niệm làm tất cả mọi việc nơi đất khách để góp phần giúp cho cuộc sống của đồng bào mình được tốt đẹp hơn.

Bác năm nay đã 93, tuổi mụ là 94. Vóc người tầm thước, gương mặt phúc hậu và giọng nói to ấm áp, bác cởi mở tiếp chuyện chúng tôi. Tuy không còn được thính (bác phải mang máy trợ thính), bác vẫn làm chúng tôi ngạc nhiên về về sự sáng suốt ánh lên trên đôi mắt tinh anh.

Vợ bác, bà Denise, một phụ nữ Pháp hiền hậu và ân cần, với trí nhớ như một Bách khoa toàn thư, đã giúp bác kể lại câu chuyện từ lúc người qua Pháp. Hai con người tử tế và độ lượng đã gặp nhau và yêu nhau. Hôn lễ được cử hành năm 1951. Trong bức ảnh cưới đen trắng, nhìn họ rạng ngời hạnh phúc. Bác Mưu trông rất phong độ và bà Denise lúc đó là một phụ nữ rất xinh đẹp.

 Họ có với nhau hai người con và khá nhiều cháu. Những bức ảnh khéo trang trí trên tường thể hiện rõ sự hạnh phúc của một đại gia đình Pháp-Việt. Khắp căn nhà bác, luôn có thể tìm thấy những dấu ấn đậm chất Việt Nam: Những bức tranh sơn dầu hình các cô gái Việt Nam, hay cảnh cây đa giếng nước (đồng thời cũng là hình nền một cuốn sách mà bác là tác giả)…

Cả hai đều là những người khiêm tốn và ngại nói về mình.
Trong suốt cuộc nói chuyện, bác kể nhiều về những người đồng chí của mình: những người Pháp tiến bộ trong Đảng Xã hội Pháp, những người bạn công binh đã cùng nhau xây dựng nên Hội quán và mở đầu cho những hoạt động nhân đạo truyền thống đến ngày nay.

Khi nhớ về thời tuổi trẻ cùng những người bạn, đôi mắt bác luôn ánh lên một niềm vui khó tả, xen lẫn với chút phảng phất buồn của hoài niệm. Người nhắc đến bác Tùng, bác Ngọ, bác Liễn, bác Hối, bác Phúc, bác Ngụy, bác Sắc…Rất nhiều người trong số họ đã hy sinh thầm lặng suốt đời cho quê hương, cho đến lúc nằm xuống và thanh thản nhắm mắt.

Người, cùng những người bạn khác, những thanh niên ngày ấy, bị đưa qua Pháp với những lời hứa hẹn không rõ ràng, với vai trò là “tình nguyện viên”. Có thể là một sự dàn xếp cho lợi ích chính quốc. Họ bị bắt buộc phải đi, vì nếu không, bố mẹ họ có thể bị đi tù.

Bác hào hứng kể về kỷ niệm đi rước cờ để đấu tranh ở Quảng trường Bellecour năm 1952. Bác cùng một số người đồng chí đã cố gắng đưa lá cờ Việt Nam lên tượng đài. Và người ta đã thấy phấp phới màu cờ đỏ sao vàng ở đó. Họ bị cảnh sát rượt bắt. May mắn, bác đã trốn thoát về nhà bằng xe đạp. Lúc đó, vợ Bác đang mang thai người con đầu tiên.
Người nói với vợ: “May mà anh còn được về nhà!”

Tất cả kỷ vật của một đời cống hiến của Bác, với rất nhiều bằng khen, huy hiệu, được trao tặng bởi cả hai chính phủ Pháp – Việt
Tất cả kỷ vật của một đời cống hiến của Bác, với rất nhiều bằng khen, huy hiệu, được trao tặng bởi cả hai chính phủ Pháp – Việt

Điều tự hào nhất của bác (và của cả vợ người), có lẽ là đứa con tinh thần, cuốn sách “Đứa con xa quê”- “Un enfant loin de son pays”, xuất bản năm 2003. Bác tự bỏ tiền ra in cuốn sách bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, cùng với sự hợp tác một người họ hàng làm ở ngành in. Toàn bộ số tiền bán sách đều được quyên góp và chuyển về giúp đỡ làng quê của người ở huyện Từ Đà, trên vùng đất Phú Thọ kinh đô xưa. Bác đã về thăm quê được vài ba lần. Mỗi lần, bác đều mang theo cuốn sách như một món quà tinh thần đặc biệt, ngoài những hỗ trợ vật chất khác người dành dụm được cho quê hương.

Như những người đồng chí tâm huyết khác, mỗi khi nghe tin ở nhà có bão dữ, bác không ngần ngại góp tiền lương, ngay cả lương hưu, tiền tiết kiệm, gửi về quê nhà để kịp giúp đỡ cho những người khốn khó.

Cùng với các đồng chí khác, bác tìm đủ mọi cách để hỗ trợ quê hương mình. Họ chiên tới cả hàng mấy ngàn chiếc nem ở những lễ hội nhân đạo (Fête de l’Humanité), những hoạt động văn hóa chung quanh thị xã Venissieux, để bán và gây quỹ từ thiện, bắt đầu từ cuối những năm 60. Quỹ này dùng để trợ giúp đồng bào khó khăn, mua các dụng cụ y tế và phân phát thành các suất học bổng ý nghĩa cho các em học sinh nghèo.
Điều làm tôi ấn tượng và ngưỡng mộ nhất, chính là tinh thần trợ giúp, không phê bình, không phân biệt của các bác.

muu 5
Bác Mưu và cuốn sách xuất bản năm 2003

Tôi trộm nghĩ, chính sự quả cảm và lòng vị tha, chính mong muốn được đóng góp và giúp đỡ nhiều hơn cho đồng bào còn nghèo khó ở quê nhà, đã tạo động lực và khiến họ cống hiến không mệt mỏi, với tinh thần “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Cũng chính niềm vui được giúp đỡ và san sẻ với những con người bất hạnh hơn đã khiến những niềm vui khác như ăn ngon mặc đẹp hay được tôn vinh trở nên phù du.

Họ cũng chính là những sáng lập viên của Chi hội Rhône, tiền thân của Hội người Việt tại vùng Rhône (Union Général des Vietnamiens à Rhône) ngày nay. Những người mà cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa hề được biết đến, “ngoài những cái tên, trong danh sách những người góp tiền mua Hội quán.” Câu nói này, trong bài viết của bác Vũ Hồng Nam “Vĩnh biệt Bác Ngọ”, mãi làm tôi xúc động.

Thời đó, Hội hợp tác chủ yếu với Đảng Cộng sản Pháp (Parti Communiste) và Liên đoàn Lao động Pháp (Confédération Générale de Travail).
Về sự ra đời của Hội quán năm 1978, bác kể rất đơn giản. Ban đầu, để thực hiện các hoạt động, mọi người thường họp ở bất kỳ đâu: một ngôi nhà khá rộng của một người đồng chí, hay trong một không gian công cộng. Dần dần, họ cảm thấy như thế thật bất tiện nên đã nhất trí cùng nhau góp tiền, mua căn nhà số 38, đường Sainte Geneviève, quận 6 – thành phố Lyon mà ngày nay là nơi tụ họp thân thuộc của những sinh viên và lưu học sinh như chúng tôi. Tất cả đều chung tay, ít nhất mỗi người góp một ngày lương. Đến nay, Hội quán đã nhiều lần được tu bổ và trang hoàng lại.

Kể từ ngày đó, Hội quán luôn mở rộng vòng tay chào đón mọi người Việt đến với vùng Rhône, cũng như kết nạp thêm thành viên thường trực mới. Sau thế hệ của bác là thế hệ của chú Huân, chú Hùng Anh, chú Mỹ,…rồi đến thế hệ chúng tôi, những người trẻ…

Chúng tôi đang cùng nhau tiếp nối những truyền thống và hoạt động nhân đạo hướng về quê nhà, điển hình là chiên bán nem gây quỹ học bổng và y tế. Hiện nay, hơn 100 em học sinh nghèo hiếu học tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã được nhận học bổng thường xuyên. Nhiều thư viện của các trường tiểu học đã được tặng sách. Việc tổ chức quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai, giúp nạn nhân chất độc màu da cam, đoàn kết với dân quân Trường Sa do Chi hội Rhône tổ chức luôn nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của kiều bào và cả bạn bè quốc tế.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, Chi hội đã giao lưu, hợp tác được nhiều hơn với các cấp hành chánh trong vùng, những Hội đoàn có hoạt động hướng về Việt Nam, cũng như quảng bá hiệu quả hơn hình ảnh của đất nước. Hội quán đã trở thành mái nhà chung nơi gắn bó cộng đồng người Việt ở Pháp với quê hương. Nơi đây, mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau hòa nhập vào xã hội Pháp, bên cạnh việc duy trì bản sắc dân tộc và phát huy văn hóa Việt nơi đất khách.

Suốt buổi nói chuyện, bác và vợ kể lại một vài kỷ niệm vui. Một điều ngạc nhiên và bất ngờ là chúng tôi biết thêm rằng, thứ trưởng Bùi Văn Ga ngày ấy, lúc còn là một sinh viên trên đất Pháp, từng rất thân và được hai bác xem như con nuôi. Nhắc đến ông, hai bác vẫn giữ những ấn tượng tốt đẹp về một sinh viên ngoan hiền, lễ phép và lém lỉnh. Hồi đó, ông tự xưng là Petit Poulet (chú Gà Con). Khi tôi thông báo giờ đây ông đã là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả hai rất ngạc nhiên và vui mừng : ‘‘Petit Poulet ngày ấy, giờ đã là một Grand Poulet’’.

Thi thoảng, tôi nhận thấy đôi mắt bác thoáng nhiều nỗi niềm khi đề cập đến sự khác biệt giữa các thế hệ về suy nghĩ, nhận thức và lý tưởng sống. Tôi xin phép hỏi người câu cuối cùng, rằng bác có điều gì nhắn nhủ gì với các thế hệ chúng cháu ngày nay, người chỉ cười rất hồn hậu và lắc đầu.
Có câu nói: “Cách nêu gương tốt nhất là bằng hành động, chứ không phải là lời nói suông.”
Vậy là tôi đã vừa được gặp một nhân chứng sống, một con người chân chính…

Trên đường về, tôi trộm nghĩ, chính cuộc đời của bác, những hy sinh-đóng góp-cống hiến thầm lặng, đã là lời khuyên, lời chia sẻ tốt nhất rồi…
Phải chăng đó là bài học và món quà quý nhất cho một người trẻ đang bước vào đời như tôi?

Được tiếp xúc với những con người vị tha, dung dị mà cao quý là một may mắn lớn. Rồi sau đó, người ta được thấy tâm hồn mình trở nên rộng mở và trong lành hơn. Và từ đó, tình yêu cuộc sống và nghị lực được khơi dậy để người ta sống tốt đẹp hơn và ý nghĩa hơn.

muu 6
Bác Mưu và những kỷ vật cùng đứa con tinh thần của người